Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 là năm mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đối mặt nhiều thách thức. Dịch Covid-19 khiến các nhà máy sản xuất và chế biến cá tra phải tăng thêm chi phí gấp 3 lần cho kiểm tra dịch bệnh và sản xuất "3 tại chỗ". Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn đối mặt với chi phí logictics tăng cao, thiếu container rỗng để giao hàng đúng hợp đồng và đúng thời hạn.
VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2021 ước đạt 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Để có được kết quả này, VASEP lý giải, do nhu cầu tiêu thụ cá tra tại một số thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trở lại mức trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trong số đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam. Sau khi phục hồi vào nửa cuối năm 2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3, tháng 4/2021.
Theo ông Trương Đình Hòe bức tranh thị trường đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022 với sự nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp dưới cơ chế quyết sách hỗ trợ và linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
Với sự lạc quan đó, VASEP kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021.
"Tuy nhiên, việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 đang là bài toán khó với các doanh nghiệp khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường khó tăng mạnh trong khi những áp lực lạm phát, cước vận tải, áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu lao động, nhân công tăng cao, nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp… khiến cho việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp" - ông Hòe cho biết.
Xuất khẩu sang Trung Quốc, EU khó bứt phá
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường khó tăng đột biến cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022.
Tổng Thư ký VASEP dự báo Trung Quốc có thể là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động do những yếu tố đã được phát hiện trong năm 2021 như chính sách Zero Covid khiến các địa phương ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch.
Ông Hòe lý giải thêm: Hệ quả là hàng hóa biên mậu liên tục đóng mở đầy bấp bênh trong khi cá tra xuất khẩu chính ngạch lại gánh khó khăn do việc các tàu feeder vào Trung Quốc qua Hongkong bị tạm ngừng; việc tìm được container cho hàng xuất chính ngạch tùy thuộc quan hệ với hãng tàu, đại lý và giá cước với đủ loại phụ phí tăng chóng mặt.
Nhà nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn khi quy định nhập khẩu mới làm chi phí phát sinh ở cảng đến nhiều hơn và hàng cần đưa vào kho lạnh kiểm Covid trước khi được lưu thông khiến thời gian kéo dài. Ước tính chi phí cho 01 lô hàng nhập khẩu cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà hàng Trung Quốc cũng không còn giai đoạn hồ hởi tiếp nhận cá tra như giai đoạn trước mà chuyển sang xem xét thay cá tra với các lựa chọn cá nội địa tại Trung Quốc. Các rào cản thương mại và hàng rào kỹ thuật từ việc kiểm soát Covid tạo tâm lý dè dặt cho việc phát triển thêm các menu cá tra tại các nhà hàng.
Cũng theo ông Hòe thì kim ngạch xuất khẩu sang thi trường Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 giảm 22% chỉ đạt 376 triệu USD. Nhập khẩu cá tra vào thị trường này liên tục sụt giảm mạnh từ quý 3 và kéo dài sang cả những tháng cuối năm. Nguyên nhân là kể từ lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam phía Trung Quốc đã áp dụng ngày càng nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm cá tra, sẽ tiếp tục tác động đến xu hướng thị trường trong năm 2022.
Nếu như xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp bất lợi bởi rào cản kỹ thuật thì sang EU và Anh lại ở khía cạnh cước vận tải 10 lần trong khi giá cá tra xuất khẩu vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, định kiến cá tra là loại cá thịt trắng rẻ tiền làm người tiêu dùng không dễ dàng móc hầu bao để trả cho mức gia tăng giá bán của cá tra. Do đó, trong năm 2022, thị trường EU và Anh sẽ khó tăng trưởng đột biến.
Vẫn triển vọng ở các thị trường khác
Nếu như xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, EU vẫn ảm đạm thì việc gia tăng thị phần ở Mỹ được coi là thành công của ngành cá tra trong năm 2021. Lũy kế 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt gần 324 triệu USD tăng 48% so với cùng kỳ.
Theo ông Hòe có được kết quả này, là nhờ thị trường Mỹ hồi phục nhanh chóng ngay sau khi chính quyền mở cửa ; người dân quay lại cuộc sống và trở lại thói quen trước dịch như ăn ở nhà hàng, du lịch…Tình hình tắc nghẽn của chuỗi logictics trước dịch làm tồn kho trong chuỗi cung ứng tại Mỹ không còn nhiều; nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2021 tăng đáng kể. Nhờ vậy, kim ngạch thị trường Mỹ tăng vọt trong nửa cuối năm 2021.
Ông Hòe cũng dự báo: “Năm 2022, xuất khẩu đi thị trường Mỹ sẽ ổn định và khó có sự tăng trưởng đột biến như tình hình năm 2021”.
Ngoài Mỹ thì các thị trường như Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập có thể được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc và Châu Âu.
Dự báo này đến từ kết quả xuất khẩu cá tra trong mùa dịch năm 2021 với mức tăng trưởng 2 con số, từ 44-84%, và tổng thị phần của 5 thị trường này chiếm đến 16,3% về kim ngạch xuất khẩu của ngành cá tra trong 11 tháng năm 2021.