Vì sao EVN tạm ngưng trả tiền mua điện mặt trời mái nhà?

(CL&CS)- Những ngày qua, nhiều chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở phía Nam phản ánh việc công ty điện lực tạm ngưng trả tiền mua điện.

Tháng 9/2020, Bộ Công thương đã ban hành văn bản số 7088/BCT-ĐL về hướng dẫn việc thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo như công văn hướng dẫn thì các nhà đầu tư hệ thống ĐMTMN phải cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng... để được ký hợp đồng mua bán điện. EVN và các đơn vị thành viên được ủy quyền, chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi hoạt động vận hành các nhà máy điện mặt trời (bao gồm cả ĐMTMN và điện mặt trời nối lưới).

Căn cứ vào công văn trên, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Nếu không có tại thời điểm kiểm tra, ngành sẽ ngừng trả tiền mua điện.

Vì sao EVN tạm ngưng trả tiền mua điện mặt trời mái nhà?

Hầu hết tất cả nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đều đang bị tạm ngừng thanh toán do điện lực các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Phần lớn các hệ thống điện mặt trời này đã được đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2020 và bắt đầu bán cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho điện lực các địa phương ký hợp đồng) từ đầu năm 2021. Thế rồi đùng một cái, đầu năm 2022, EVN đột ngột yêu cầu họ phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng mới được tiếp tục thanh toán tiền điện.

Lẽ ra yêu cầu này phải được đưa ra trước khi ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư nhưng theo thông tin các nhà đầu tư cung cấp, trong suốt quá trình đầu tư hệ thống điện mặt trời và đàm phán để bán điện, ngành điện lực không đưa ra bất cứ yêu cầu hay cảnh báo nào về việc phải có các hồ sơ nêu trên.

Trước yêu cầu của EVN khi hệ thống điện đã hình thành, nhà đầu tư có liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như sở xây dựng, ban quản lý các khu công nghiệp, Phòng quản lý đô thị cấp huyện thì cũng không thể xin được giấy phép do không có quy định cấp phép cho hệ thống điện đã hoàn thành.

Trong kinh doanh, một khi hợp đồng đã ký thì hai bên có nghĩa vụ tuân thủ, nếu muốn thay đổi điều khoản trong hợp đồng đã ký thì phải ngồi lại đàm phán, thương thảo với nhau. Giải pháp cuối cùng khi vẫn không thương thảo được thì đưa nhau ra tòa. Thế nhưng EVN đã không làm như vậy mà đột ngột ngưng thanh toán, thậm chí dọa cắt hợp đồng mua điện. Cách hành xử của EVN không chỉ là chưa sòng phẳng với các nhà đầu tư điện mặt trời mà còn gây ảnh hưởng không tốt cho chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo mà Chính phủ đã phải tốn rất nhiều công sức để thu hút nhà đầu tư tham gia.

Đưa ra giải pháp nào trong trường hợp này, Theo đại diện của Cục Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết các nhà đầu tư phải khắc phục, việc khắc phục này đều có hướng dẫn như: Phạt vi phạm hành chính, kiểm định công trình và hoàn thiện bổ sung các giấy tờ. Trách nhiệm xử lý thuộc về địa phương. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẵn sàng hỗ trợ khi nhà đầu tư liên hệ.

TIN LIÊN QUAN