Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản tạo nên năng suất lao động. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có năng lực, trình độ, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu phát triển là giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động.
Năng suất chất lượng được nâng cao nhờ nguồn nhân lực chất lượng
Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò ý nghĩa đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường của mọi quốc gia. Đây là nền tảng giúp cho doanh nghiệp, công ty, tổ chức tiếp cận được nhanh nhất với tri thức và công nghệ hiện đại và tốt nhất. Sau đó, việc ứng dụng hiệu quả tri thức và công nghệ vào hoạt động sản xuất và hoạt động kinh doanh của tổ chức, công ty và doanh nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển.
Động lực giúp cho năng suất lao động của tổ chức, công ty, doanh nghiệp được tốt hơn nhờ vào kỹ năng và kiến thức, cùng với kinh nghiệm làm việc của đội ngũ nhân viên. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ hoàn thành tốt công việc được giao, luôn sáng tạo trong công việc và tìm tòi học hỏi cách làm mới để đạt hiệu quả năng suất lao động tốt nhất.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giúp các tổ chức, công ty, doanh nghiệp phát triển bền vững và là nền móng cho sự vững mạnh doanh nghiệp của mình. Nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và tiến xa hơn với nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao được giống như “đôi cánh” để đưa doanh nghiệp tiến xa hơn trên con đường phát triển của doanh nghiệp mình. Qua đó ta thấy được nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng và là yếu tố nòng cốt để phát triển tổ chức, phát triển doanh nghiệp bền vững, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển lâu dài trong tương lai.
Nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững của các quốc gia chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không chỉ là nguồn của cải vật chất. Do vậy, hình thành và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất không chỉ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mà còn tạo cơ hội tiếp cận kinh tế tri thức.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bền vững, trước hết tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tìm việc và nâng cao thu nhập cho gia đình và bản thân là nền tảng của ổn định xã hội. Ngoài ra, tạo sự phát triển bền vững về môi trường, các ngành, các doanh nghiệp có đội ngũ lao động có trình độ cao sẽ thường xuyên đổi mới công nghệ để giảm mức độ tiêu hao nguyên nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Nguồn nhân lực trình độ cao không chỉ là vốn quý của bản thân người lao động mà còn là vốn quý của quốc gia, đây là động lực quyết định khả năng phát triển nền kinh tế quốc dân ở mỗi giai đoạn.
Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay ở Việt Nam
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động trung bình cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2021 (tương đương tăng 2,4% so với năm 2021). Lực lượng lao động bao gồm 50,6 triệu người có việc làm và 1,1 triệu người thất nghiệp. Nữ giới (46,8%) chiếm tỷ trọng thấp hơn nam giới (53,2%). Mặc dù có sự tăng lên về tỷ trọng lực lượng lao động ở khu vực thành thị trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn 62,8% lực lượng lao động nước ta tập trung ở khu vực nông thôn.
Năm 2022, có khoảng hơn 2/3 dân số từ 15 tuổi trở lên (chiếm 68,6%) tham gia lực lượng lao động, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chênh lệch không đồng đều giữa các vùng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị là 4,2 điểm phần trăm.
Cơ cấu lao động theo ngành thời gian qua được đánh giá thông qua số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 48,7% năm 2010 xuống 27,6% năm 2022, tương ứng là 14,1 triệu lao động.
Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thể hiện rõ khi tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng lên từ 29,6% năm 2010 lên 39,1% năm 2022. Lượng lao động ngành này chủ yếu là lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải kho bãi, thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản…
Còn đối với lực lượng lao động ngành Công nghiệp từ năm 2011 đến 2020 là 28,1%; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng dao động nhẹ và ổn định khoảng 32,25% tổng nhu cầu lao động trong giai đoạn 2019 - 2022 và đạt mức 33,3% năm 2022.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2021 – 2023 (%), (nguồn Tổng cục Thống kê)
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới là 75,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó con số này của nữ giới là 62,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước. Tính chung năm 2023, lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022.
Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19,0 triệu người, tăng 1,8% (tương ứng tăng 331,8 nghìn người), lao động ở khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 1,1% (tương ứng tăng 351,1 nghìn người); số lao động có việc làm ở nam giới đạt 27,3 triệu người, tăng 1,4% (tương ứng tăng 386,6 nghìn người), cao hơn mức tăng ở nữ 0,1 điểm phần trăm (1,4 điểm phần trăm so với 1,3 điểm phần trăm).
Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu 2024, thị trường lao động việc làm có một số điểm tích cực. Trong đó, phải kể đến, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2024 là 52,5 triệu người, tăng 148,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,3 nghìn người so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt gần 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2024 là 68,6%. Lao động có việc làm quý II năm 2024 đạt hơn 51,4 triệu người, tăng 126,6 nghìn người, tương ứng tăng 0,25% so với quý trước và tăng 217,4 nghìn người, tương ứng tăng 0,42% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195,8 nghìn người so với 6 tháng đầu năm 2023.
Thêm nữa, vào quý II năm 2024, tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng cấp hoặc chứng chỉ đạt mức 28,1%. Tỷ lệ này tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2023. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang trải qua một quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng.
Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam. Mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục. Việt Nam đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế và thu hút vốn đầu từ rất nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên. trong tình hình phát triển xã hội và kinh tế như vậy thì nguồn lao động chất lượng cao của nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại những thực trạng sau:
Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên nguồn lao động dồi dào nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng cách, chưa có quy hoạch cụ thể, và chưa biết cách để khai thác tối đa tiềm năng về nguồn lao động nước ta. Chất lượng của nguồn lao động nước ta chưa cao, nhiều lao động còn chưa qua đào tạo, các chương trình đào tạo nguồn lao động chất lượng cao còn chưa thực sự hiệu quả để nâng cao được chất lượng nguồn lao động.
Sự phân bố và hỗ trợ của các nguồn nhân lực chưa hiệu quả. Việc phất bố và phát triển nguồn nhân lực theo vùng kinh tế chưa được hiệu quả khiến cho năng suất lao động chưa cao.Hiện nay nước ta còn thiếu nguồn lao động chất lượng cao. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao rất nhiều, tuy nhiên với nguồn lao động dồi dào nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tuyển dụng của nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tổ chức, công ty hay doanh nghiệp bất kỳ.
Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28%, song tỉ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn quá thấp.
Các giải pháp nâng cao chất lượng năng suất lao động
Để nâng cao chất lượng lao động nhằm nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới. Tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện cơ sở vật chất.
Thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí, dưới góc độ chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, ông Lê Quang Trung, nguyên cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ), cho biết, cần giải pháp nâng cao chất lượng năng suất lao động bởi đây là mấu chốt phát triển kinh tế. Thứ nhất, nâng cao chất lượng nhân lực, hướng vào xu hướng phát triển và lợi thế của Việt Nam. Đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực ta có khả năng, thu hút, phát huy được nhân lực chất lượng cao.Thứ hai, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan phải đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ theo hướng tăng hàm lượng chất xám. Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, phát huy khoa học công nghệ bởi đây chính là hạt nhân, mũi nhọn, tiên phong cho sản xuất.
Thứ tư, cần đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, thị trường mới, công nghệ mới để ứng dụng trong quá trình phát triển. Ví dụ, ngành nông nghiệp là công nghệ sinh học; sản xuất là công nghiệp phụ trợ... Đặc biệt, nên có chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động. Xác định các mục tiêu, hoạt động và nguồn lực hoạt động... Chương trình này hoàn toàn xứng đáng vì tác động đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu.
Thứ năm, phải tính đến dài hơi, bền vững trong phát triển nguồn nhân lực; quan tâm giáo dục phổ thông và các cấp; quan tâm đào tạo thể chất, chuyên môn, ý thức, tác phong và khơi dậy khát vọng của tuổi trẻ, của người lao động trong khát vọng cống hiến, vươn lên nâng cao năng suất lao động để có thu nhập cao.
Thứ sáu, cần có tổ chức chuyên trách về vấn đề năng suất lao động, chuyên trách về nguồn nhân lực. Nhiều quốc gia đã có Bộ phụ trách nguồn nhân lực, trong đó có nội dung cốt lõi là sử dụng, đãi ngộ, tầm nhìn... về nhân lực.