Ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng Hàu giống Kim Sơn

(CL&CS)- Hàu giống Kim Sơn đảm bảo chất lượng, đang có giá bán tốt hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường và được ưa chuộng ở hầu hết các địa phương nuôi trồng hàu như Quảng Ninh, Hải Phòng...

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Trong xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay, hàu được xem là đối tượng nuôi tiềm năng lớn và có vai trò quan trọng cho phát triển nuôi biển. Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Trong số các loài thủy sản đang được chú trọng phát triển, hàu giống là một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn của địa phương xuất phát từ việc nắm bắt được xu thế phát triển chung của thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh từ tự nhiên. Nghề nuôi hàu giống đang mở ra cơ hội làm giàu rất lớn cho người dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. 

Ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng Hàu giống Kim Sơn

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Sơn, năm 2023 toàn huyện có gần 300 cơ sở nuôi hàu giống tập trung ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung và Thị trấn Bình Minh; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên đến hơn 4.370 ha; bình quân sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện đạt khoảng 28.000 tấn/năm; sản lượng hàu giống đạt 12,5 tỷ con/năm, đảm bảo chất lượng đáp ứng một phần nuôi tại địa phương và xuất bán cho các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng. Doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt 350 tỷ đồng, nhiều hộ nuôi hàu giống có thu nhập từ 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/vụ.Từ đây cho thấy, nghề nuôi hàu giống ở huyện Kim Sơn đang phát triển rất tốt và còn nhiều tiềm năng.

Với quy trình, kỹ thuật nuôi hiện nay, hàu giống Kim Sơn đáp ứng tốt những tiêu chí của người nuôi thương phẩm, như con giống dày, phát triển nhanh, chất lượng hàu thương phẩm tốt, bám cả hai mặt giá thể. Vì vậy, hàu giống Kim Sơn đang có giá bán tốt hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường và được ưa chuộng ở hầu hết các địa phương nuôi trồng hàu như Quảng Ninh, Hải Phòng...

Những chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng Hàu giống Kim Sơn

Nhận thức rõ những lợi thế từ thiên nhiên mà không nhiều địa phương có được, huyện Kim Sơn đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Gây giống, phát triển tảo làm thức ăn cho hàu, cải tạo hệ thống thủy lợi, xử lý nguồn nước. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm cam kết trong Bản ghi nhớ về việc phối hợp cung ứng, quản lý chất lượng giống nhuyễn thể với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh. Nhờ đó, đã phát triển được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàu giống ổn định, an toàn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình, để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững nghề nuôi hàu giống, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tuyên truyền tới các hộ nuôi cách thức giữ gìn, cải tạo, bảo vệ môi trường biển, thường xuyên cập nhật công nghệ mới để nâng cao giá trị, chất lượng con giống, tiếp tục mở lớp tập huấn kiến thức sản xuất hàu giống theo công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất và xây dựng các chính sách để hỗ trợ các hộ nuôi.

Đồng chí Vũ Văn Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2023. Từ đây, sản phẩm hàu giống Kim Sơn đã có thêm một công cụ quan trọng và hữu hiệu, góp phần giữ gìn, phát huy danh tiếng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Những chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng Hàu giống Kim Sơn

Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng hàu giống Kim Sơn thì các cơ sở sản xuất thực hiện một số giải pháp như: Phải đào tạo trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về đặc tính của giống hàu, cách lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hàu giống, những dịch bệnh có thể mắc phải cũng như yêu cầu để đảm bảo vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất. Thứ hai, Tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, chế biến ngao, hàu theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ như sản phẩm làm sẵn, ăn liền.

Thứ ba, Tổ chức có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu nước ngoài. Để phát triển thị trường tiêu thụ ngao, hàu trong bối cảnh mới, các tỉnh ven biển có vùng sản xuất ngao, hàu cần cần xây dựng chiến lược phát triển theo hình thức chú trọng hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ; giảm chi phí trong quá trình sản xuất, đẩy mạnh chế biến tinh, nâng cao chất lượng sản phẩm và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm. 

Việc đẩy mạnh phát triển nghề nuôi hàu giống Kim Sơn cũng là một trong những chủ trương nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, nhất là đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các ngư dân chuyển hướng từ việc khai thác gần bờ sang phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

TIN LIÊN QUAN