Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng hạt muối

(CL&CS) - Với đường bờ biển dài, Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối. Nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Để phát triển bền vững ngành muối, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng hạt muối, nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại

Sở hữu bờ biển dài khoảng 3.260 km và bức xạ nhiệt cao, muối là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được đối với đời sống xã hội và con người. Muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hoá chất và một số ngành khác. Sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối là ngành kinh tế đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 diêm dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, xã hội nông thôn vùng duyên hải của Việt Nam.

Để ngành muối được phát triển hơn cần bắt đầu từ đổi mới công nghệ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá bán sản phẩm theo chất lượng của công nghệ đó

Nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, muối có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn diêm dân.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), mặc dù là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 400.000-600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Muối nội địa giá trị thấp, tồn kho nhiều. Nhiều diêm dân đã bỏ nghề, chuyển sang công việc khác, doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại. Thêm vào đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ muối nhập khẩu, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc. 

Ngày 23/5/1955, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 535/TTg, thành lập Sở Muối trực thuộc Bộ Tài chính để quản lý và phát triển sản xuất muối và trong thống kê kinh tế-xã hội, ngành muối (bao gồm cả sản xuất và phân phối) trở thành một ngành kinh tế quốc dân độc lập.

Kể từ đó đến nay, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, các Bộ, ngành và địa phương ban hành nhiều hướng dẫn tổ chức triển khai phát triển của ngành muối nhằm hỗ trợ sinh kế và thu nhập cho hàng vạn hộ diêm dân (trong đó đa phần là các hộ nghèo, thu nhập thấp).

Đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu... Trong số đó, 13 sơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 01 cơ sở đã đầu tư 02 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.

Việt Nam hiện có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối nhưng diện tích sản xuất muối tập trung chính ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa…Sản phẩm muối Việt Nam được tiêu thụ trong nước với 2 mục đích chủ yếu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt và dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp như công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, y tế.

Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Cơ sở hạ tầng đồng muối đã từ lâu không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối của diêm dân hiện nay tại hầu hết các địa phương đều rất yếu kém khiến năng suất muối không cao, đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn: Kênh mương cấp và tiêu nước cho đồng muối đều đã xuống cấp trầm trọng và hầu hết là dùng chung với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thủy sản…, cá biệt có những địa phương phải sử dụng nước ngầm (Ninh Thuận, Khánh Hòa) để làm muối. Số lượng đồng muối sản xuất theo quy mô công nghiệp còn ít so với nhu cầu.

Một số tiến bộ khoa học đã được áp dụng nhưng chưa mang tính đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả. Cả nước có 73 cơ sở sản xuất và chế biến muối thuộc mọi thành phần kinh tế như hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, tuy nhiên các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, sản lượng nhỏ, thiết bị, công nghệ, lạc hậu.

Hơn nữa, việc sản xuất muối chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp, lượng muối của các đồng muối công nghiệp chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất. Một số vùng sản xuất muối của nước ta tại các tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất muối quy mô công nghiệp nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển.

Ở miền Bắc Việt Nam có nhiều vùng sản xuất được những sản phẩm muối có hàm lượng NaCl thấp (muối nhạt), chứa hàng chục nguyên tố vi lượng rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Sản phẩm này được nhiều quốc gia quan tâm và có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn nhưng sản lượng muối chưa nhiều và chất lượng muối thấp (lẫn nhiều tạp chất) nên không đáp ứng được số lượng, và chất lượng yêu cầu nhập khẩu.

Ứng dụng máy móc và khoa học công nghệ, phát triển nghề muối theo hướng bền vững

Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.

Trong ngắn hạn đến năm 2025, mục tiêu đặt ra của đề án là duy trì tổng diện tích sản xuất muối 14.500ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn /năm; trong đó, diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 5.000ha, sản lượng đạt 650.000 tấn (chiếm 43%), sản lượng muối chế biến đạt 500.000 tấn. Đảm bảo diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp đạt 4.805 ha, với sản lượng đạt 640.000 tấn/năm (chiếm 42%); ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 20%.

Mục tiêu dài hạn đến năm 2030, chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm với tổng diện tích sản xuất muối đạt 14.200ha nhưng sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là hỗ trợ phát triển các sản phẩm muối và chế biến khác từ muối phục vụ nhu cầu xuất khẩu, du lịch, y tế.

Vấn đề đầu tư phát triển sản xuất muối cần thực hiện đồng bộ gắn với chế biến, thị trường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp được tập trung tại các địa phương trọng điểm như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đầu tư cải tạo, nâng cao cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các địa phương Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án được thực hiên trên địa bàn 8 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ trong nước, mà tiến tới xuất khẩu, trước tiên, cần quan tâm đến thu nhập của diêm dân hiện nay, nghề muối sẽ mai một nếu như giá trị của sản phẩm muối quá thấp. Tiếp đến là tổ chức đào tạo, tập huấn, áp dụng các thiết bị máy móc, công nghệ đến người sản xuất; kết nối các doanh nghiệp và diêm dân để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các vùng nguyên liệu; tiến tới mục tiêu trong tương lai gần Việt Nam không phải nhập khẩu muối, thậm chí xuất khẩu muối sang các thị trường lớn.

Cần sự đồng hành để phát triển ngành muối

Việt Nam có 21.000 lao động đang làm nghề muối. Nghề muối Việt Nam có truyền thống lâu đời. Nghề làm muối Bạc Liêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020. Thủ tướng đã có quy hoạch phát triển nhưng diện tích làm muối toàn quốc ngày càng thu hẹp.

Có thể thấy, việc ban hành, thực hiện các chính sách đã và đang tác động tích cực đến phát triển sản xuất, chế biến muối, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên và đất đai vùng biển, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tái cơ cấu ngành muối là vấn đề cấp bách hiện nay không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cần phải xuất khẩu, khẳng định thương hiệu muối Việt Nam, không những góp phần ổn định sinh kế cho diêm dân mà còn tránh được số tiền lớn phải bỏ ra nhập khẩu mỗi năm.

Đặc biệt, ngày 28/11/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh” năm 2022, Ban Giám khảo cuộc thi đã trao giải nhất cho Dự án Nanosalt - Muối dược liệu Việt Nam cho Công ty TNHH ABACA Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) tăng cường hỗ trợ cho muối. Giai đoạn 2020 - 2023, Trung tâm KNQG đã triển khai 03 dự án về muối với tổng kinh phí được Bộ phê duyệt là 7,9 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn 7 tỉnh; Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 3313/QĐ-BNN-KH ngày 23/7/2021); ngoài ra Bộ cũng đã tăng cường công tác truyền thông về các sản phẩm về muối nên những năm gần đây các địa phương, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã quan tâm đến các sản phẩm, đặc trưng và tiềm năng của muối Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đơn vị  đang triển khai 3 dự án về muối. Cho đến nay hầu hết các khu vực có muối phần lớn là quy hoạch theo phương pháp thủ công và liên kết với doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai Trung tâm nhận thấy rằng, để ngành muối được phát triển hơn cần bắt đầu từ đổi mới công nghệ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá bán sản phẩm theo chất lượng của công nghệ đó. Phải có những thực tế từ công nghệ và nâng cao giá trị sản phẩm để nghề muối phát triển và không mai một theo thời gian.

Hiện nay, các đồng muối công nghiệp đã được quan tâm đầu tư kinh phí để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như trải bạt ô kết tinh, phủ bạt che mưa ô kết tinh, cơ giới hóa nhiều khâu trong sản xuất để ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao sản lượng, chất lượng muối. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, chế biến và lưu thông muối. Sản phẩm muối của các doanh nghiệp chế biến đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt cho nhu cầu của người tiêu dùng và một phần cho xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, sản phẩm muối ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển và vươn xa hơn, tuy nhiên chúng ta cần có sự kết nối giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân để tạo thành một chuỗi giá trị gắn kết. Chúng ta có một thế mạnh đó là người dân chăm chỉ, cần cù và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối có thể tạo ra nhiều sản phẩm muối phơi cát có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe.

TIN LIÊN QUAN