Dẫn dắt thị trường tài chính số
Đầu năm 2021, JP Morgan công bố báo cáo với nhận định, các ngân hàng Việt Nam đang là sự lựa chọn sáng giá khi sở hữu “combo” tốc độ tăng trưởng tích cực và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao tại Đông Nam Á. Và “ngôi sao dẫn dắt” được JP Morgan gắn lên thương hiệu Techcombank, với nhận định đây là ngân hàng tiên phong dẫn dắt các giải pháp tài chính số hóa tại Việt Nam, sở hữu khả năng sinh lợi cao, hoạt động hiệu quả và đội ngũ quản lý tầm cỡ thế giới. Techcombank thuộc số ít ngân hàng trong khu vực có thể sinh lời từ cả 2 phía của bảng cân đối kế toán, cũng như có thu nhập từ phí ấn tượng (đã được điều chỉnh cho tất cả các chi phí được phân bổ).
Một trong những điểm sáng được JP Morgan đề cập về Techcombank chính là tỉ lệ ROA cao nhất ngành ngân hàng (đến 3,1%), và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA cao kỷ lục 46,1%. Đây không phải năm đầu tiên, Techcombank ghi nhận tỷ lệ Casa bứt phá mạnh như vậy. Có vẻ như trong giai đoạn 5 năm gần đây, Techcombank có chiến lược tập trung thu hút tiền gửi không kỳ hạn để giảm chi phí vốn và tập trung đẩy mạnh giải pháp số để mang lại lợi ích cho khách hàng và ngân hàng.
Không chỉ vươn lên so với chính mình, Tehcombank còn vượt xa so với các đối thủ khác trong Top 5 ngân hàng có tỷ lệ Casa cao nhất.
Chỉ số CASA thể hiện sự hài lòng của khách hàng
Trong vài năm gần đây, tỷ lệ Casa trở thành một trong những chỉ tiêu được ngân hàng đặc biệt quan tâm. Thậm chí, các ngân hàng dường như đang âm thầm đẩy mạnh “cuộc đua Casa” vì chỉ tiêu tiền gửi không kỳ hạn bao hàm rất nhiều ý nghĩa.
Để giảm chi phí huy động vốn, các ngân hàng sẽ tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ Casa bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất. Tỷ lệ Casa của ngân hàng càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Để tăng tỉ lệ Casa, các nhà băng phải đẩy mạnh đầu tư vào số hóa với nền tảng công nghệ hiện đại. Techcombank được xem là ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, điển hình với các ứng dụng rất tiện lợi trên internet banking và mobile banking. Quan trọng hơn, chỉ số CASA còn thể hiện sự hài lòng của khách hàng trên hành trình trải nghiệm số hóa. Trong bất kể bối cảnh nào, Techcombank luôn kiên định duy trì chiến lược cốt lõi khách hàng là trọng tâm - lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh.
Đây là lý do khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân Techcombank trong năm 2020 lần lượt đạt 383 triệu giao dịch (tăng 108,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 5,0 triệu tỷ VNĐ (tăng 84,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Techcombank cũng có thêm khoảng 1,1 triệu khách hàng mới trong năm 2020. Số lượng giao dịch của khách hàng trên nền tảng số của Techcombank có những thời điểm lên tới khoảng 46 - 47 triệu giao dịch/1 tháng. “Chúng tôi đã cung ứng các sản phẩm đa dạng lên ngân hàng số, bao gồm từ các tiện ích thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư. Các giải pháp này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đồng thời hỗ trợ giao dịch an toàn, tiện lợi, từ đó, đưa Techcombank trở thành ngân hàng giao dịch chính của nhiều khách hàng hơn”, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ.
Năm 2021, Techcombank dự kiến sẽ áp dụng năng lực phân tích dữ liệu vào hành trình số hóa để có thể đưa ra những giải pháp mang tính chất “may đo” riêng biệt, trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Ví dụ, đối với nhu cầu vay vốn, khách hàng không cần phải đến chi nhánh mà được phê duyệt tự động, hoặc được phê duyệt trước. Quy trình tự động này không chỉ với những sản phẩm thường, cơ bản như thẻ tín dụng, mà thậm chí với những sản phẩm phức tạp như là vay mua nhà…
“Chúng tôi tập trung nhiều vào việc am hiểu khách hàng, đưa ra được những mô hình kinh doanh, những sản phẩm, những giải pháp hỗ trợ hành trình khách hàng liền mạch, giải quyết được các vấn đề của khách hàng một cách hiệu quả”, ông Hưng cho hay.