Từ Khải Silk đến “ông buôn phở”…

(NTD) - Giúp mẹ kiếm thêm tiền ở tuổi 17, lập được thương hiệu riêng Khải Silk lúc 24 tuổi... thành công ở ngành kinh doanh lụa, ngành bất động sản và ngành ẩm thực ở phân khúc hạng sang, ở tuổi 53 Hoàng Khải vẫn tiếp tục cho một cuộc khởi nghiệp mới: Kinh doanh chuỗi tiệm phở!

Hoàng Khải kể chuyến đi nước ngoài năm 24 tuổi của ông đặt cho ông nhiều câu hỏi. McDonal’s hay KFC chắc không ngon bằng phở Việt Nam rồi. Nhưng phải 30 năm sau, Hoàng Khải mới thực hiện giấc mơ của mình.

Với chiếc xe Honda tuổi đời lên đến 35 năm. Hoàng Khải cho biết chiếc xe này mua với số tiền đầu tiên kiếm được từ lúc 17 tuổi.

Hương vị phở Ông Khải thấp thoáng “hồn phách Vũ Bằng”

Hoàng Khải nói ông mê Vũ Bằng và những dòng viết sống động của nhà văn này về phở. Bên cạnh đó là cả triết lý kinh doanh phở. Ông nói: “Tôi đã đọc đi đọc lại cả trăm lần bài viết của Vũ Bằng, đến mức thuộc làu…”

Hoàng Khải kể trước khi mở quán phở ông và mẹ cùng ba đầu bếp thân tín đã đi khắp các quán phở ngon ở Hà Nội. Từ phở Lý Quốc Sư, đến phở Thìn, phở Phú Xuân, phở Hàng Điếu… cho đến những quán lề đường. Mỗi chủ, mỗi vị. Phở Hà Nội bây giờ, theo lời ông, hầu như 100% nêm bằng mì chính. Ăn rồi xem xét và phân tích cách họ làm. Ăn phở kiểu đấy đến ba tháng “đội ngũ nghiên cứu” mới rút ra công thức riêng. Một bếp chuyên nấu phở hình thành ở lâu đài TajmaSago - nơi ở và kinh doanh khách sạn của ông. Hoàng Khải kéo áo thun màu hồng đang bận ra ngửi: “Người tôi lúc nào cũng có mùi phở này!”

Rồi Hoàng Khải trích một câu trong tác phẩm của Vũ Bằng mà ông chiêm nghiệm, tâm đắc: “Nhiều hàng phở lúc còn gánh thì ngon, mà dọn thành cửa hàng rồi thì kém”. Ông nói quản lý một tiệm rồi tiến đến một chuỗi vừa đơn giản vừa tuyệt khó!

Tiếp theo cửa hàng đầu tiên ở Nguyễn Đức Cảnh, tiệm thứ hai của phở Ông Khải sẽ khai trương ở tòa nhà Saigon Paragon. Một tiệm thứ ba cũng sẽ mở ở Q.7. Hoàng Khải nói ở trong một quận thì hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng của nước phở, bánh và thịt. Việc vận chuyển từ bếp trung tâm ở Q.7 cũng đơn giản.

Nhưng khi tính đến việc mở thêm cửa hàng ở Q.1 và Q.3 thì bài toán trở nên khó hơn bởi “sau 10h sáng, xe tải không được phép vào trung tâm thành phố. Điều này có nghĩa là bếp trung tâm Q.7 không thể cung cấp được đồ ngon đúng lúc. Vậy là phải lập thêm bếp chính ở Q.1 và Q.3.”

Trong tiệm phở đầu tiên của chuỗi phở Ông Khải trên đường Nguyễn Đức Cảnh, Q.7. Hoàng Khải hy vọng sẽ mở 100 tiệm phở ở Việt Nam trong hai năm đầu tiên, sau đó kêu gọi quỹ đầu tư góp vốn, lên sàn chứng khoán. Kế đến đưa phở Ông Khải qua thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

Không phải lúc nào cũng dễ thành công…

Để chuẩn bị cho sự ra đời của chuỗi phở, Hoàng Khải rất kỹ lưỡng. Những người bạn có gu ẩm thực tinh tế, những đầu bếp nổi tiếng không thuộc phe nhà… lần lượt được mời đến ăn thử trước khi khai trương. Một trong các nhân vật này tiết lộ: “Đôi lúc sự hãnh tiến khiến hắn (Hoàng Khải) khó chịu, nhưng hắn rất chịu khó nghe và chỉnh sửa theo góp ý…”

Trên trang cá nhân, ông tiết lộ cách đây mười năm ông mở một nhà hàng Hoa ở thành phố Đà Lạt. Sau ba năm hứng chịu các khoản lỗ, nhà hàng đóng cửa vì “giá thành cao và Hoàng Khải không nghiên cứu kỹ thị trường”. Chuyển thành nhà hàng Việt, ông lại tiếp tục lỗ thêm ba năm và phải đóng cửa vì “khủng hoảng kinh tế thế giới nên ít khách nước ngoài và khách bản địa thì không cần”.

Ông viết: “Hoàng Khải đã rất thất vọng với thị trường Đà Lạt này và định buông xuôi. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ và cảm thấy ngượng với bản thân thì Hoàng Khải lại âm thầm một mình lên kế hoạch… Một nhà hàng Ming Dinasty với món vịt quay nổi tiếng đã chinh phục du khách và những người dân sống tại Đà Lạt với một mức giá bản địa hoàn toàn hấp dẫn... Giờ nhà hàng đông như kiến!”

 

Giấc mơ chinh phục châu Á của “ông buôn phở”

Đầu tư 70 tỷ đồng để mở 100 cửa hàng đầu tiên ở các thành phố lớn Việt Nam sau hai năm. Sau đó kêu gọi quỹ đầu tư góp vốn, rồi đưa phở Ông Khải lên sàn chứng khoán. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, Hoàng Khải nói phải đưa món của ông trở thành phở của mọi người. Ông nói: “Tôi tìm thấy ở Vũ Bằng giải pháp kinh doanh cho chuỗi của mình.”

Hoàng Khải nói các chuỗi thức ăn nhanh cố tìm cho mình một vị trí thật đẹp trên những con đường sang trọng nhất. Và giá thuê nhà đã đẩy giá thành lên hoặc “nuốt chửng” lợi nhuận không thương tiếc. Không thể theo cách viết của Vũ Bằng là người giàu, người nghèo kéo nhau ra quán vỉa hè. Phở Ông Khải có thể lặng lẽ kiếm địa điểm trong hẻm, tiến vào làng đại học để bát phở năm mươi lăm ngàn đồng - 55.000 đồng - có thể đến với mọi người kể cả sinh viên. Hoàng Khải: “Ăn một bát phở ngon và chất lượng trong một không gian của nhà hàng sang trọng thì nhất rồi!”

Nhưng chuỗi 100 tiệm phở ở Việt Nam của ông bán phở hay ông buôn phở - Hoàng Khải thích kiểu gọi như vậy - chưa là giấc mơ cuối cùng. Phở Ông Khải phải tiến vào thị trường Tokyo và Thượng Hải trước, sau đó lan rộng ra toàn nước Nhật và Trung Quốc đại lục! Hoàng Khải say sưa nói: “Tôi sẽ thuê ba tổng quản lý, một về phát triển thị trường, một về quản lý tài sản và một về kiểm soát chất lượng. Cứ hai ba ngày mở một tiệm thì ông Khải giàu to rồi…” - Hoàng Khải cười to với câu nói này.

Có lúc, Hoàng Khải hỏi: "Có bao giờ người ta chỉ nhớ 'ông buôn phở' mà quên mất Khải Silk?"

 Hồ Nguyên Thảo - Ảnh: Ngân Thảo

 
Nên đọc