Tính đến tháng 4/2019, TPHCM có 216 PKĐK công lập và tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động, bao gồm: 28 PKĐK công lập thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và 188 PKĐK tư nhân. Các cơ sở này được đánh giá theo “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho PKĐK trên địa bàn TPHCM, phiên bản 3.0” do Sở Y tế xây dựng với thang điểm tối đa là 5 điểm.
Trong số 216 PKĐK đó chỉ có 6 phòng khám đạt mức chất lượng tốt, 42 phòng khám đạt mức khá, 39 phòng khám đạt mức trung bình khá, 74 phòng khám đạt mức trung bình và có tới 41 phòng khám đạt mức kém. Có 14 PKĐK xin hoãn chưa được đánh giá chất lượng trong đợt này.
6 PKĐK đạt mức chất lượng tốt gồm: An Phúc, Hợp Nhân, Phước An (phòng khám số 1 và số 5), Vigor Anbis Japan, Chi nhánh 1 của Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng An Nhiên.
Còn đứng chót bảng trong số 41 PKĐK có chất lượng kém là phòng khám thuộc: Công ty TNHH Y khoa MEDIC Tân Hưng (Quận 5), Công ty TNHH MTV Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Công ty TNHH Chợ Đệm (Bình Chánh), Công ty TNHH Dịch vụ y tế Thiện Phước (huyện Củ Chi)…
Được biết, bộ “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho PKĐK trên địa bàn TP.HCM, phiên bản 3.0” có độ khó hơn so với các bộ tiêu chí phiên bản trước, đòi hỏi các phòng khám phải thực sự đào sâu, nghiên cứu kỹ để có được sự cải tiến chất lượng hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Sở Y tế yêu cầu tất cả phòng khám tiếp tục phát huy những tiêu chí đã đạt mức trung bình khá trở lên, có giải pháp khắc phục các tiêu chí còn ở mức chất lượng kém.
Lý Trường