Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Hà Nội “khai tử” 7 dự án chậm tiến độ, tổng diện tích khoảng 500ha

(CL&CS) - Hà Nội “khai tử” 7 dự án chậm tiến độ, tổng diện tích khoảng 500ha; Hà Nội sắp đấu giá 20 thửa đất tại Đông Anh, giá khởi điểm gần 65 triệu đồng/m2; 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế GTGT từ ngày 12/9; Bồi thường đất ở dự án Vành đai 3 từ 18 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2; Tuyên Quang, Kon Tum và Sơn La đồng loạt xin làm sân bay; Quảng Ninh sẽ thanh tra những dự án của Tập đoàn Tuần Châu;...là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Hà Nội “khai tử” 7 dự án chậm tiến độ, tổng diện tích khoảng 500ha

UBND TP.Hà Nội đã có chỉ đạo chấm dứt, dừng thực hiện đối với 7 dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Đầu tiên là dự án tòa nhà hỗn hợp dành một phần đất để bán cho cán bộ chiến sỹ Văn phòng Interpol Việt Nam ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) có diện tích 1.579m2, được UBND TP.Hà Nội chấp thuận, cho phép đầu tư vào năm 2009. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà. Sau 13 năm được cấp phép, đến nay đã hết tiến độ thực hiện nhưng dự án tòa nhà hỗn hợp dành một phần đất để bán cho cán bộ chiến sỹ Văn phòng Interpol Việt Nam vẫn chưa triển khai.

Thứ hai là dự án Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh, tại 3 xã: Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Diện tích của dự án này khoảng 99,1ha, do Công ty cổ phần PRIME GROUP làm chủ đầu tư. Năm 2018, Hà Nội có quyết định thu hồi lại diện tích đã giao với lý do sau 10 năm chủ đầu tư không triển khai và trước đó, chủ đầu tư đã có văn bản xin phép dừng thực hiện dự án.

Dự án Khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cũng nằm trong danh sách các dự án "ôm" đất đắp chiếu, vi phạm pháp luật. Dự án này do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư, với diện tích khoảng 23ha. Năm 2018, Hà Nội có quyết định thu hồi vì lý do sau 10 năm không triển khai, đầu tư và chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị trả lại và thôi không thực hiện.

Dự án Khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) có diện tích khoảng 40,6ha. Năm 2018, UBND TP đã có quyết định thu hồi lại diện tích đất đã giao của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Lý do thu hồi do sau 10 năm, chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại (nay là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại - Bộ Công thương) không triển khai dự án, vi phạm pháp luật đất đai, đầu tư.

Dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã: Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng (huyện Mê Linh) có diện tích khoảng 30,8ha. Dự án do Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên làm chủ đầu tư. Thành phố Hà Nội thu hồi với lý do sau hơn 13 năm, chủ đầu tư không triển khai dự án và có vi phạm pháp luật về đất đai.

Dự án Khu đô thị Quang Minh Bắc Dự án Khu đô thị Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín có diện tích 305,3ha, được UBND tỉnh Hà Tây có quyết định chấp thuận cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam thực hiện vào năm 2008. Hai dự án nêu trên là dự án đối ứng của dự án xây dựng đường Đỗ Xá - Quan Sơn. Tuy nhiên, đến năm 2013, Hà Nội có thông báo về chủ trương dừng thực hiện dự án xây dựng đường Đỗ Xá - Quan Sơn và đã chỉ đạo thực hiện thanh lý hợp đồng.

Hà Nội sắp đấu giá 20 thửa đất tại Đông Anh, giá khởi điểm gần 65 triệu đồng/m2

Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã có thông báo về việc đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Theo đó, huyện Đông Anh sẽ đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm X4, thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà với một thửa đất và quyền sử dụng đất tại điểm X1 xã Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh với 19 thửa đất. Mức giá khởi điểm của 20 thửa đất này từ 26,5 triệu đồng/m2 đến 64,3 triệu đồng/m2. Các thửa đất có diện tích từ 52,71 - 129,55m2.

Đông Anh sắp đấu giá 20 thửa đất (Ảnh minh họa).

Nội dung thông báo nêu rõ, về hình thức đấu giá, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam sẽ tổ chức đấu giá từng thửa đất bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng theo phương thức trả giá lên.

Thời gian phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 12/09/2022 đến ngày 28/09/2022 tại Hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh, địa chỉ thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Cách thức và thời hạn nộp tiền đặt trước, người đăng ký tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam từ ngày 28/09/2022 đến hết ngày 29/09/2022.

Thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra thực địa diễn ra trong 2 ngày 26/09/2022 và 27/09/2022.

Thời gian, địa điểm đấu giá diễn ra từ 8h30 ngày 01/10/2022 tại hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh.

Từ 12/9, trường hợp nào giá đất được trừ để tính thuế GTGT?

Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP. 

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.

Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể như sau:

1- Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

2- Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.

3- Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế GTGT là tiền thuê đất phải nộp ngân sách Nhà nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng nêu trên là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp (quy định mới). (Bỏ quy định “không bao gồm tiền thuê đất được miễn, giảm”).

4- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng (quy định trước đây bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng).

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có).

(Trước đây quy định cơ sở kinh doanh không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng đã tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế GTGT)

Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng...

Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.

5- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Nếu giá chuyển nhượng thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng...

6- Trường hợp cơ sở kinh doanh Bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT.

Bồi thường đất ở dự án Vành đai 3 từ 18 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2

Mới đây, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Trong đó, xuyên suốt chương trình là những thông tin xoay quanh việc BTHTTĐC cho dự án đường vành đai 3.

Theo đó, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT đã có những thông tin giá đất, thời hạn bàn giao ranh mốc, thời gian thực hiện BTHTTĐC đối với các loại đất, thời gian bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án.

Cụ thể, về giá đất để tính bồi thường đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất ở tại dự án đường Vành đai 3 sẽ nằm trong khoảng từ hơn 18 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2.

Đối với đất nông nghiệp (chiếm tới 90% diện tích dự án Vành đai 3) thì có hai loại: đất trồng cây lâu năm có giá bồi thường từ 3,2 triệu/m2 - 8,5 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 đến 6,5 triệu đồng/m2.

Ảnh minh họa.  

Theo ông Trực, giá để bồi thường nêu trên tùy vào từng từng địa phương và từng vị trí cụ thể. "Đây mới chỉ là giá tạm tính để TP Thủ Đức và các huyện lập phương án BTHTTĐC, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất. Hiện nay, các địa phương đang thuê đơn vị tư vấn để xác định giá bồi thường cụ thể trình TP xem xét", ông Trực nói.

Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc bồi thường dự án Vành đai 3 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1-12-2022. Tháng 4-2022 sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 5-2023 (khoảng 300ha).

Tháng 7-2023 các địa phương sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng trước 30-12-2023 (khoảng hơn 400ha) để chủ đầu tư có thể triển khai xây lắp vào năm 2024.

Về vấn đề tái định cư, ông Trực cho biết, hiện nay TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo quỹ nhà tái định cư cho dự án. Riêng Hóc Môn và Củ Chi đang phối hợp với các sở ngành để lên phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho dân.

Tuyên Quang, Kon Tum và Sơn La đồng loạt xin làm sân bay

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh ký khẳng định: Việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo tỉnh này, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú) về xã hội (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống) và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Theo đề xuất của Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài ≥ 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng 500ha.

Dự kiến tổng mức đầu tư CHK Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)...).

Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với việc kiến nghị cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch, UBND tỉnh Kon Tum còn đề xuất Thủ tướng giao cho tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Nhiều địa phương đồng loạt đề xuất quy hoạch sân bay trên địa bàn.  

Theo đề xuất của UBND tỉnh Kon Tum, Cảng hàng không Măng Đen có quy mô, cấp sân bay cấp 4E, dự kiến xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, thị trấn Măng Đen có một số vị trí thuận lợi để xây dựng sân bay: quỹ đất sạch do địa phương quản lý, giao thông kết nối thuận lợi, gần quốc lộ 24 tốc độ gió nhỏ; khối lượng san bạt tĩnh không nhỏ; có mặt bằng bằng phẳng với khối lượng đào đắp không nhiều thuận tiện cho việc bố trí đường cất hạ cánh).

Công suất thiết kế của Cảng hàng không Măng Đen là từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350ha.

UBND tỉnh Kon Tum nhận thấy cần phải có một cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ công tác quốc phòng an ninh tại địa phương.

Ngoài Sơn La và Kon Tum, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét, chấp thuận, tổng hợp bổ sung một vị trí cảng hàng không, sân bay tại tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn ký, đề xuất xây dựng Cảng hàng không Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng dự kiến quá trình phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên cơ sở chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay chuyên dùng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và khai thác một số tuyến bay quốc tế, phục vụ tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng an ninh).

Giai đoạn 2, sau năm 2030, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thành cảng hàng không cấp 4C.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng Hàng không Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, giao UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quảng Ninh sẽ thanh tra những dự án nào của Tập đoàn Tuần Châu?

Theo thông tin được đăng tải trên báo Giao thông, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong việc thực hiện 6 dự án tại Tập đoàn Tuần Châu, TP Hạ Long.

Theo đó, trong tháng 9/2022, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh sẽ có công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong việc thực hiện 6 dự án: Sân golf Tuần Châu, Khu đô thị cảng tàu Ngọc Châu; Khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long;

Hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Dolphin Villas; Đầu tư công trình nhà ở tại lô đất F (F31-F66), lô G (G1-G24), Lô L (L1-L133) thuộc dự án Khu đô thị Cảng Ngọc Châu; Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu tại phường Tuần Châu, TP Hạ Long…

Các dự án trên do các Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, Công ty cổ phẩn T&H Hạ Long, Công ty TNHH Tuần Châu Marina (Tập đoàn Tuần Châu) làm chủ đầu tư.

Tập đoàn Tuần Châu là tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, phát triển đa ngành trong nhiều lĩnh vực bao gồm: bất động sản, đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí, du thuyền, bến cảng, sân golf, hay ít biết hơn là cả đất hiếm...

Hà Nội đề nghị tăng 1.900 tỷ, thêm thời gian để hoàn thiện dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027, tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng.

Tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 12/9.

Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đoạn trên cao đưa vào khai thác, vận hành năm 2022 và khai thác toàn tuyến năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng.

Nhận định về tiến độ dự án, UBND Hà Nội cho biết chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Tính đến hiện nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Theo UBND Hà Nội, hiện, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí. Nguyên nhân là kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và đã hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Đến nay, chủ đầu tư mới ký kết phụ lục hợp đồng với 5 gói thầu CP1, CP2, CP5, CP7 và PIC, đồng thời gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu này đến tháng 12 năm nay, Ngoài ra, đơn vị đang triển khai thương thảo với gói thầu CP6, CP8 và CP3.