Tin bất động sản hôm nay ngày 30/9: HoREA không đồng tình "thu hồi đất khi 80% người dân đồng ý"

(CL&CS) - HoREA không đồng tình "thu hồi đất khi 80% người dân đồng ý"; Nghệ An đề xuất huỷ bỏ dự án 16.000 tỷ do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư ở Nghi Lộc; Lí do dừng thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ 800 tỉ đồng; Hé lộ chủ đầu tư dự án khu dân cư Bi Đóup gần 300 tỷ đồng tại Lâm Đồng; Bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch là không cần thiết.

HoREA không đồng tình "thu hồi đất khi 80% người dân đồng ý"

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý một số nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, tại khoản 5 Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhà nước thu hồi đất đối với “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cần bỏ quy định này và nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục thực hiện phương thức tự thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại để tạo lập quỹ đất đầu tư, do nhà đầu tư đã tự nguyện lựa chọn phương thức này. Bởi quy định “80% người dân đồng ý” là chưa chặt chẽ, vì có thể “80% người dân đồng ý” chỉ chiếm phần nhỏ diện tích dự án, trong lúc “20% người dân không đồng ý” có thể chiếm tỷ lệ diện tích lớn hơn.

Tuy nhiên, để gỡ khó các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 80% người dân và 80% diện tích đất dự án trở lên, nhưng không thể thỏa thuận để nhận chuyển nhượng phần diện tích đất còn lại dẫn đến việc giải phóng mặt bằng dở dang.

Vì vậy, HoREA đề nghị xem xét thực hiện một trong 2 giải pháp để xử lý: Giải pháp 1: Nhà nước xem xét cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh ranh đất dự án trong phạm vi phần đất đã giải phóng mặt bằng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Giải pháp 2: Trong trường hợp không thực hiện được giải pháp 1 thì đề nghị nhà nước thực hiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với “dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”, đặc biệt là thực hiện phương thức “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” quy định tại Điều 68 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc phương thức người sử dụng đất “góp quyền sử dụng đất” quy định tại khoản 4 Điều 169 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong trường hợp này thì tổ chức kinh tế đã có quyền sử dụng đất cũng phải chấp hành, thực hiện quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương tự như người sử dụng đất khác trong khu vực dự án. Tổ chức kinh tế đã có quyền sử dụng đất có quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn.

Nghệ An đề xuất huỷ bỏ dự án 16.000 tỷ do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư ở Nghi Lộc

Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình về việc đề nghị huỷ bỏ Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.

Theo đó, ngày 19/10/2017, Tập đoàn FLC có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc với quy mô diện tích 460ha.

Phối cảnh dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC Nghệ An tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.  

Tháng 10/2017, tại phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp để cho ý kiến về đề xuất dự án đầu tư của Tập đoàn FLC. Ngày 26/10/2017, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An, Ban thường vụ Tỉnh uỷ về việc đề nghị xem xét, chủ trương đầu tư dự án. Ngày 11/12/2017, Ban chấp hành Đảng bộ ra kết luận thống nhất về chủ trương đầu tư dự án.

Ngày 28/3/2018, Tập đoàn FLC chính thức nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc với tên gọi An Beach & Golf Ressort, qui mô 460ha, tổng vốn đầu tư 16.009 tỷ.

Tuy nhiên, do đề xuất chưa phù hợp qui hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông - Đông Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011 nên đến nay dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo qui định pháp luật.

Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý chủ trương khảo sát, lập điều chỉnh quy hoạch và phê duyệt nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông – Đông Nam (trừ khu phi thuế quan ) khu kinh tế Đông Nam.

Tuy nhiên, theo nhiệm vụ qui hoạch được phê duyệt và định hướng qui hoạch đồ án phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực Đông – Đông Nam (trừ khu phi thuế quan) khu kinh tế Đông Nam trên sẽ phải di dời tái định cư rất nhiều hộ dân, khoảng 3.000 ngôi mộ và toàn bộ công trình hành chính, công cộng của xã Nghi Tiến với chi phí giải phóng mặt bằng lớn là không khả thi.

Do đó, tại phương án điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040 đang trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lại cơ cấu để hạn chế tối đa việc di dời dân giảm thiểu tối đa chi phí GPMB để đảm bảo quy hoạch có tính khả thi.

Vì vậy, tại tờ trình ngày 26/9/2022, đề xuất dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc không còn phù hợp với điều chỉnh tổng thể Qui hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam đến năm 20240 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông – Đông Nam là cơ sở để xem xét thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư đễ xuất đã bị bãi bỏ tại Quyết định ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An kính trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khoá XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xem xét huỷ bỏ kết luận về chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.

Lí do dừng thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ 800 tỉ đồng

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã chỉ đạo thu hồi giấy phép và tạm đình chỉ thi công dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) sau khi xem xét những bất cập trong quá trình thi công

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã nhận được công văn của Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (trực thuộc Sở) về việc đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; và của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng về tình trạng xuống cấp mặt đường Nguyễn Văn Linh gây mất an toàn giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Cùng với đó, Sở cũng tiếp nhận nhiều phản ảnh về những bất cập về hạ tầng giao thông, mặt đường bị hư hỏng, xuất hiện ổ gà, xuống cấp... trong phạm vi triển khai dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Cơ quan đã hai lần yêu cầu chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) chấn chỉnh, song tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

Phía Sở GTVT TP.HCM quyết định tạm đình chỉ thi công dự án cho đến khi đơn vị thi công khắc phục toàn bộ tình trạng hư hỏng mặt đường tại khu vực, có xác nhận từ các bên liên quan. Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ sẽ kiểm tra, ghi nhận các bất cập để thông báo chủ đầu tư sớm khắc phục các hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ xây dựng 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài mỗi nhánh hầm 456m, mặt cắt ngang đảm bảo 3 làn xe với tổng kinh phí 830 tỉ đồng (giai đoạn 1).

Khởi công tháng 4/2020, đến nay tiến độ dự án đạt hơn 35% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Riêng nhánh hầm theo hướng đi quốc lộ 1 đã hoàn thành các hạng mục đường tạm, di dời cây xanh... dự kiến xong vào cuối tháng 4/2023.

Nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ kết nối khu trung tâm thành phố tới khu đô thị mới Nam Sài Gòn; kết nối khu công nghiệp - cảng dọc hệ thống sông Soài Rạp với tuyến tuyến Vành đai 2, vận chuyển hàng hóa ra vào cảng đi các địa bàn của TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Dự án hầm chui được kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía Nam của thành phố.

Hé lộ chủ đầu tư dự án khu dân cư Bi Đóup gần 300 tỷ đồng tại Lâm Đồng

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Hà Nội vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư Bi Đóup tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương.

Theo đó, dự án khu dân cư Bi Đóup tại thị trấn Lạc Dương có tổng vốn đầu tư hơn 254 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là hơn 54 tỷ đồng và vốn huy động là 200 tỷ đồng.

Dự án có tiến độ thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2025 là tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho địa phương theo quy định.

Ảnh minh họa.  

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Hà Nội phối hợp với UBND huyện Lạc Dương, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạc Dương để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay sau khi UBND tỉnh chấp thuận nhà đầu tư.

Ngoài 20 lô đất tái định cư đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao cho UBND huyện Lạc Dương đầy đủ số lượng các lô đất bố trí tái đinh cư trong trường hợp các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại khu vực dự án thuộc đối tượng được bố trí tái định cư mà vượt quá 20 lô đất tái định cư theo quyết định chủ trương dự án đã được phê duyệt,…

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 363/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Bi Đoúp tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương.

Theo đó, dự án khu dân cư Bi Đoúp có diện tích sử dụng đất khoảng 93.942 m2. Trong đó, đất ở với 26.468,2 m2, chiếm 28,18%; đất thương mại dịch vụ với 2.925,6 m2,...

Cơ cấu sản phẩm của dự án gồm 122 lô đất nhà ở liên kế, 44 lô đất biệt thự và 3 lô đất thương mại dịch vụ.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 254 tỷ đồng và được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch là không cần thiết

Ngày 29/9/2022, ông Nguyễn Hữu Hồng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi ký Công văn số 2061/SXD-QLN&BĐS gửi Bộ Xây dựng về việc góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).

Theo đó, Điều 60 dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) có quy định về các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản, trong đó có đưa ra 2 phương án cụ thể.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét lại cả hai phương án tại Điều 60 này. Bởi vì, việc quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch là không cần thiết, khách hàng có quyền chọn mua trực tiếp từ chủ đầu tư hoặc thông qua sàn khi sản phẩm đó phải đủ điều kiện được đem ra kinh doanh.

Đồng thời việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch cũng không đảm bảo quyền tự do kinh doanh của chủ đầu tư dự án bất động sản.

Về thời hạn sở hữu nhà chung cư quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thống nhất đề xuất theo phương án 1 (quy định cụ thể về thời hạn sở hữu nhà chung cư).

Lý do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thống nhất đề xuất này là vì quy định thời gian cụ thể về sở hữu nhà ở chung cư sẽ tác động đến việc giảm giá thành các dự án chung cư người dân dễ dàng tiếp cận với mức giá hợp lý hơn; thúc đẩy các nhà đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư khi đã hết niên hạn và xuống cấp.

Đối với nội dung tại Điều 101 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thống nhất chọn phương án 2.

Lý do được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thống nhất phương án này là vì thực tiễn quy định bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm đã có nhiều bất cập.

Đồng thời, việc quy định người sở hữu nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội sẽ gây khó khăn cho người dân vì tìm được khách đúng đối tượng mua nhà là rất khó.