Ba kích còn được nhân dân một số nơi gọi với tên khác như là cây ruột gà, ba kích thiên, hay sáy cáy (Thái), thao tày cáy (Mán), chầu phóng sì (Tày), chổi hoàng kim, chày kiằng đòi (Dao). Tên khoa học của cây ba kích là Morinda officinalis How, thuộc họ cà phê (Rubiaceae).
Rễ cây ba kích có hình trụ tròn hoặc hơi dẹt, cong queo, mỗi đốt dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài rễ ba kích có màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang, có nhiều chỗ nứt sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt qua rễ ba kích có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, ở giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu.
Ở nước ta, cây ba kích thường mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm giữa các bụi bờ, bãi hoang. Cây ba kích được tìm thấy nhiều nhất ở Quảng Ninh, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây ba kích là phần rễ, có thể đào lấy quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông. Theo Y học Cổ truyền, vị thuốc ba kích có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp... Vị thuốc ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, thường được sử dụng trong các bệnh phong thấp, mạnh gân cốt...
Theo sách nghiên cứu hiện đại trong rễ ba kích có chất anthraglucozit, chất đường, rất ít tinh dầu, nhựa và axit hữu cơ, trong rễ tươi có vitamin C. Theo tài liệu cổ ba kích dược liệu có vị cay ngọt, tính hơi ôn, đi vào kinh thận nên có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp...và nhiều công dụng khác.
Hiện trên thị trường có 2 loại ba kích được bán phổ biến là ba kích rừng và ba kích trồng. Do ba kích trồng có nhiều loại kém chất lượng, ít tác dụng dược lý (chủ yếu từ Trung Quốc) nên người dân rất thích tìm ba kích rừng. Tuy nhiên do lợi nhuận nhiều tiểu thương đã trà trộn hay quảng cáo 'nổ' là ba kích rừng khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn mua phải hàng kém chất lượng. Thậm chí trong quá trình sấy khô nếu không đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn rễ ba kích rất dễ bị nấm mốc, nhanh hỏng, kém tác dụng.
Rễ ba kích sấy khô nên đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn để tránh ẩm mốc, hư hỏng nhanh. Ảnh minh họa
Căn cứ theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- rễ ba kích do Bộ Y tế đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm nghiệm, bảo quản và các yêu cầu có liên quan đến chất lượng đối với dược liệu, cụ thể là rễ ba kích.
Theo đó, yêu cầu đối với dây ruột gà của rễ đã phơi hay sấy khô của cây ba kích họ cà phê. Thu hoạch quanh năm, tốt nhất vào mùa Đông. Đào lấy rễ của cây từ 3 năm tuổi trở lên, rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi hoặc sấy khô.
Rễ có hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài ngắn khác nhau, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài màu nâu xám, vàng nâu hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và rải rác có vết thắt ngang. Nhiều chỗ thắt ngang sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu, vị hơi ngọt và chát. Lỗi dạng sợi dài, cứng, màu xám tro, rải rác có các mấu nhỏ lồi lên rất cứng, chất chắc dẻo, khó bẻ gãy.
Mặt cắt dược liệu hình tròn, từ ngoài vào trong có lớp bần gồm 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp thành vòng tròn đồng tâm và dãy xuyên tâm, trong lớp bần thường có các tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim, sát lớp bần có các tế bào mô cứng xếp liền nhau tạo thành vòng. Mô mềm vỏ dày, cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, xếp lộn xộn, các tế bào ở phần ngoài bị ép bẹp. Phía trong mô mềm là libe, gồm các tế bào nhỏ tạo thành vòng liên tục. Rải rác trong mô mềm và libe có các bó tinh thể calci oxalat hình kim. Gỗ gồm các mạch gỗ lớn xếp thành bó, các bó kết hợp với nhau tạo thành lõi hình sao 5, 6 cạnh. Trong mô gỗ có những đám tế bào không hóa gỗ.
Bột có màu nâu nhạt, vị hơi chát, mùi thơm dịu. Soi dưới kính hiển vi thấy mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, mảnh mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình nhiều cạnh thành mỏng, một số tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, dài khoảng 0,1 mm và các đoạn gãy của chúng. Rải rác có các hạt tinh bột và nhiều mạch điểm.
Yêu cầu về định tính nên đun sôi 0,10g bột dược liệu với 1ml dung dịch natri hydroxyd 10 % và 9ml nước, rồi lọc. Thêm acid hydrocloric cho đến phản ứng hơi acid (thử với giấy quỳ), thêm tiếp 10ml ether ethylic lắc. Lớp ether sẽ nhuộm màu vàng. Gạn riêng lớp ether, thêm 5ml amoniac lắc. Lớp dung dịch amoniac sẽ nhuộm màu đỏ tím bền vững.
Yêu cầu về bảo quản dược liệu chưa chế biến nên để nơi khô, thoáng, tránh mốc, mọt. Dược liệu đã chế biến để nơi khô, thoáng, tránh mốc, mọt. Hạn dùng 30 ngày, để lâu mất tác dụng.
ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 VUI LÒNG LIÊN HỆ: Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268 Email: ismq@tcvn.gov.vn |