Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập

(CL&CS) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh, cần sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước để giúp doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn hội nhập, hoàn thành mục tiêu chung là đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt hơn đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã có chia sẻ với báo chí về những giải pháp để xây dựng các bộ tiêu chuẩn có chất lượng tốt, là điểm tựa, tạo đà cho phát triển.

Việc xây dựng các tiêu chuẩn còn tồn tại những bất cập nào, thưa ông?

Có thể kể đến một số bất cập như sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động tiêu chuẩn còn thụ động phụ thuộc vào nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn để áp dụng; đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất, trình độ quản lý sản xuất còn chưa đáp ứng với yêu cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của tiêu chuẩn đối vối hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; đội ngũ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn vẫn còn thiếu, số lượng chuyên gia giỏi chuyên sâu còn hạn chế, thiếu về chất và lượng…

Trong gần 10 năm qua, Hệ thống TCVN được bổ sung cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đảm bảo tính đồng bộ, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp, người dân (hiện nay hệ thống TCVN có gần 13.000 TCVN).

TS Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững được xác định là con đường tất yếu. Vậy việc xây dựng các tiêu chuẩn để thích ứng với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: Nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải; tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041; các nhóm tiêu chuẩn về đô thị thông minh, lưới điện thông minh phục vụ Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030…

Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường hay sản phẩm không thân thiện với môi trường.

Cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải;tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học…

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…

Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để ‘nhập cuộc’ đáp ứng các tiêu chuẩn trong bối cảnh hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa?

Có một thực tế có thể thấy rõ thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, nhạy bén trong việc tìm kiếm, nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng hóa xuất khẩu tiếp cận với thị trường mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận với các yêu cầu, quy định mới của quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cung cấp và tổ chức tư vấn miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế như máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, lĩnh vực về quản lý rủi ro, hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành y tế nói riêng trên Cổng thông tin của Tổng cục.

Ngoài ra, để doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn hội nhập cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận, chứng minh được một cách dễ dàng hơn, với mục tiêu chung là đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt hơn, để không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà người tiêu dùng của các nước trên thế giới cũng hài lòng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

TIN LIÊN QUAN