285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Mô hình trồng măng tây ứng dụng công nghệ tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện (Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…). Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn Thành phố tuy quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của Thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương nói riêng và Thành phố nói chung.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, quy trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học,... chưa đồng bộ. công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.
Về chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, chế biến, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản: Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, quản lý logistic kho bãi, bảo quản, xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng kênh thương mại điện tử, qua các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok…đã giúp người sản xuất kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.
Ứng dụng công nghệ được áp dụng vào trồng Lan hồ điệp.
Tại hội thảo chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thuỷ sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 3.430 cơ sở là hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm thủy sản; đã cấp 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh…
Quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng Blockchain
Hiện nay chuyển đổi số đã và đang được các doanh nghiệp triển khai, bước đầu đã tạo nhiều thuận lợi trong quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thoa - Giám đốc sản xuất các nhà máy thực phẩm miền Bắc của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, Công ty đang thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, đồng bộ ở tất cả nhiệm vụ trong toàn hệ thống.
Về sản xuất, Công ty áp dụng hệ thống nhập dữ liệu trên các phần mềm để thuận tiện cho quá trình kiểm soát thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR, mã vạch, phần mềm chuyên biệt nội bộ. Về kinh doanh, Công ty áp dụng phần mềm SAP và hóa đơn điện tử trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, áp dụng 100% ngay khi xuất hàng ra khỏi nhà máy cho tất cả đối tác, khách hàng...
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số giúp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuận tiện hơn.
Còn theo bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens (quận Nam Từ Liêm), sản phẩm trà xạ đen của Công ty áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2018 trong quy trình sản xuất, chế biến và được công nhận đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất trà xạ đen giúp khách hàng yên tâm sử dụng vì có thể truy xuất nguồn gốc với mã QR.
Để công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả cao, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết thời gian tới, Sở tiếp tục hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm Thành phố; phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Cùng với đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nông dân, hướng dẫn nông dân sử dụng dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.