Theo số liệu từ các Sở Xây dựng, lượng giao dịch bất động sản phân khúc đất nền trong quý 1 có 97,659 giao dịch thành công, tăng 45% so với cùng kỳ; phân khúc chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm 19% còn 35,853 giao dịch.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, khi lượng giao dịch phân khúc căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ có lượng giao dịch giảm, còn đất nền thì tăng, cho thấy thị trường đang có tính đầu cơ cao.
Chuyên gia đánh giá, đối tượng tham gia thị trường bất động sản hiện nay khá thận trọng khi cung hạn chế mà nhu cầu cao thì giá tăng. Thời gian vừa qua, một số dự án đưa ra mức giá cao nhưng khả năng hấp thụ ít, tính thanh khoản về phân khúc căn hộ, nhà ở hạn chế, do sản phẩm này không đại diện cho mức thu nhập trung bình của người dân.
Trên thực tế, giao dịch phân khúc đất nền nhiều do nhà đầu tư không thể đầu tư vào các dự án đã hình thành vì giá cao, cũng có thể vựợt quá khả năng chi trả nên việc nhà đầu tư lựa chọn mua đất nền để tích lũy dài năm cũng là điều dễ hiểu.
Theo bà Dương Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy, để thị trường được như kỳ vọng và phù hợp với túi tiền của người dân, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét lại giá đất, triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về pháp lý; còn đối với doanh nghiệp BĐS cần phải bình tĩnh làm đúng chức năng của mình, đừng làm bất ổn thị trường.
Bà Thủy cũng cho hay người Việt có tư duy mua BĐS để dành làm tài sản cho thế hệ sau, có thể là chung cư hoặc đất nền… Tuy nhiên, hiện chính sách căn hộ chỉ có giá trị 50 năm, vô tình đã khuyến khích người dân chuyển kênh đầu tư đa phần vào đất nền và từ đó có thể tạo ra những khu đô thị "ma”.
Vì vậy, mục tiêu duy nhất là các doanh nghiệp góp phần cùng Chính phủ tháo gỡ giúp thị trường BĐS trở về đúng giá trị thực cho đa phần người Việt có thể mua được. Và mấu chốt cuối cùng vẫn là giá đất và pháp lý tránh chồng chéo, để thị trường BĐS phục hồi và phát triển.