Cú hích từ quy hoạch
Trong chia sẻ mới đây, ông Trần Kháng Quang, một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản khẳng định: Sau sáp nhập, thị trường Tp.HCM sẽ chứng kiến làn sóng giãn dân từ nội đô sang vùng kế cận rất mạnh mẽ.
Vị này cho rằng, cơ hội với bất động sản khu vực lân cận Tp.HCM như Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu là rất lớn. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ chứng kiến làn sóng dịch chuyển nhu cầu nhà ở từ Tp.HCM sang vùng kế cận và các trung tâm công nghiệp, cảng biển. Việc sáp nhập tạo ra kỳ vọng tăng giá, thu hút dòng vốn đầu tư lớn vào các khu vực giáp ranh.
Trong dài hạn, việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào Tp.HCM sẽ tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái bất động sản Tp.HCM. Cụ thể, tăng vai trò của bất động sản công nghiệp và logistics; phân bổ lại cơ cấu dân cư, giúp giãn dân nội đô, tạo động lực phát triển các vùng đô thị đa trung tâm. Đồng thời, tạo ra vùng thủ phủ kinh tế phía Nam, thu hút FDI và các tập đoàn đa quốc gia...
Ông Quang phân tích, sau sáp nhập quỹ đất Tp.HCM được mở rộng, tạo điều kiện cho chiến lược giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng các khu đô thị mới hiện đại. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dự kiến được đồng bộ hóa, đặc biệt là hệ thống đường bộ, đường thủy và cảng biển, sẽ tăng cường khả năng liên kết vùng và nâng cao năng lực logistics. Từ đó, sẽ tạo giá trị gia tăng cho thị trường bất động sản các khu vực.
Nhà đầu tư phía Bắc bắt đầu chuyển hướng
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường bất động sản khu vực ven TP Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm lớn và tiềm năng phát triển lớn như thời điểm này. Chính điều này cũng đang thu hút được dòng tiền của các nhà đầu tư phía Bắc.
So với các năm trước, hoạt động của nhà đầu tư phía Bắc tại thị trường bất động sản phía Nam chưa sôi nổi nhưng đã bắt đầu ghi dấu ở một số khu vực gần Tp.HCM.
Tại Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai); Long Hậu, Tân Lập (Cần Giuộc), Bến Lức, Đức Hòa (Long An); quận 9, Bình Chánh (Tp.HCM)..., nhà đầu tư phía Bắc đã tích cực tìm mua đất nền, nhà phố và biệt thự. Đặc biệt, đất nền có sổ đỏ, gần các dự án đô thị lớn hoặc các tuyến hạ tầng trọng điểm, thu hút sự quan tâm từ họ.
Theo ghi nhận tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ đầu năm 2025 đến nay, phần lớn giao dịch đất nền đến từ nhà đầu tư phía Bắc. Một sàn bất động sản tại đây cho biết, trong 6 giao dịch thành công mỗi tháng, có tới 3 giao dịch từ nhà đầu tư phía Bắc. Hiện nay, các lô đất giá tốt ngày càng khan hiếm, khiến giao dịch chững lại so với đầu năm 2025.
Tại Long An, một số dự án đất nền có sổ đỏ, hạ tầng đồng bộ và các phân khúc nhà phố, biệt thự trong các khu đô thị đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư phía Bắc.
Theo các môi giới, với phân khúc đất nền, nhà đầu tư phía Bắc ưu tiên tìm kiếm đất sẵn sổ đỏ, nằm gần tuyến đường lớn, gần các siêu dự án, kết nối thuận lợi vào Tp.HCM. Đối với nhà phố, biệt thự “khẩu vị” nhà đầu tư phía Bắc nghiêng về các sản phẩm vị trí gần sông, hồ, đang ở giai đoạn đầu của việc đầu tư tiện ích và hạ tầng; họ xác định đầu tư trung - dài hạn từ 5-7 năm để gia tăng biên lợi nhuận tốt.
Theo một khảo sát mới đây về xu hướng mua nhà năm 2025 của Batdongsan.com.vn cho thấy, 66% nhà đầu tư Hà Nội đang quan tâm tìm kiếm cơ hội ở thị trường Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Gần 80% nhà đầu tư Tp.HCM từng dạo chơi phía Bắc cũng đang quay lại với thị trường phía Nam khi bất động sản khu vực này ấm dần lên.
Gần đây, sức cầu của thị trường bất động sản phía Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều dự án căn hộ, nhà phố và đất nền mở bán từ cuối năm 2024 đến nay tại Tp.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên đến 80-90%, trong đó có bóng dáng của nhiều nhà đầu tư phía Bắc.