Thị trường bất động sản đón dòng tiền lớn từ doanh nghiệp FDI

Các phân khúc công nghiệp, văn phòng và nhà ở đang thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây được đánh giá là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỉ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện có khoảng 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký mới đạt gần 12 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỉ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỉ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 14,4% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29%.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn ngoại giải ngân vào hoạt động kinh doanh bất động sản Việt Nam đạt 1,27 tỉ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2023.

4 phân khúc được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn ngoại là bất động sản công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và nhà ở.

Savills đánh giá, tỉ lệ lấp đầy của loại hình bất động sản công nghiệp cho thuê này trên toàn quốc cũng đạt 80%. Giá thuê trung bình hiện đạt mức 5,4 USD/m2/tháng và chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam.

Ông Jack Nguyễn - Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam - nhận định, mặc dù mức chi tiêu nội địa có phần chậm lại trong năm 2024, thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê vẫn duy trì hoạt động tốt nhờ nguồn cung mặt bằng hạn chế. Nghịch lý này đang tạo ra thách thức cho các nhà bán lẻ có nhu cầu mở rộng quy mô, đồng thời đẩy mức giá thuê tại các khu vực trung tâm lên cao trong thời gian tới.

Chuyên gia cho rằng, phân khúc thị trường văn phòng và nhà ở cũng đang chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế ổn định và các công ty đang mở rộng. Giá thuê văn phòng dự báo sẽ ổn định trong tương lai do nguồn cung mới và sự tập trung vào yếu tố bền vững.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, dự báo, từ nay đến năm 2026 sẽ có một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư ngoại quốc rót vào thị trường địa ốc Việt Nam. Theo đánh giá của các doanh nghiệp nước ngoài, phân khúc bất động sản ở thực đang có tỷ lệ sinh lời đạt tới 8 - 10%/năm. Con số này tương đối hấp dẫn và cao hơn nhiều so với mức 2 - 3%/năm của các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, bà Trang Bùi lưu ý phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland... hiện nay, thị trường có thêm nhiều đại gia nước ngoài khác mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...

Tổng Gám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.

Không dừng lại ở đó, thị trường bất động sản trong nước được kỳ vọng sẽ hút thêm hàng tỷ USD từ những người nước ngoài có mong muốn mua nhà tại Việt Nam. Với việc Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà lên tới 50 năm, bà Lê Thị Hằng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Indochine cho rằng, đây sẽ là yếu tố đòn bẩy, giúp thị trường trở nên sôi động, đặc biệt là với phân khúc cao cấp.

TIN LIÊN QUAN