Theo giới chuyên gia, cùng với sự sôi động của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam từ đầu năm tới nay, lĩnh vực bất động sản cũng được đánh giá sẽ có sự đột phá trong thời gian tới khi nhiều nhà đầu tư quốc tế bắt tay với các doanh nghiệp nội để tạo ra các thương vụ đình đám.
TP.HCM là tâm điểm của hoạt động M&A bất động sản trong thời gian tới. Ảnh:Tấn Lợi. |
Trước hết có thể kể đến thương vụ M&A của Tập đoàn Nam Long khi tập đoàn này mua lại 70% cổ phần tại dự án Đồng Nai Waterfront của Keppel Land với tổng số tiền là 2.313 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD). Gần đây Keppel Land cũng đã công bố thông tin về việc mua lại 3 khu đất có diện tích 6,2 ha tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Thông qua công ty con, Tập đoàn Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với Tập đoàn bất động sản Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ đồng (tương đương 56 triệu USD).
Tháng 6/2019, CTCP Lotte FLC – một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ đồng (khoảng 24,1 triệu USD) để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Công ty Lotte Land sẽ sở hữu 60% cổ phần của công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ.
Giai đoạn 2018 – 2019, Vingroup được xem là “cánh chim đầu đàn” với các thương vụ M&A lớn như bán 1,3 tỷ USD cổ phần cho GIC, bán 6,1% cổ phần trị giá 1 tỷ USD cho SK Group (Hàn Quốc). Sơn Kim Land cũng thực hiện một thương vụ M&A với nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản với giá trị ước tính 121 triệu USD. Trong khi đó, SCIC thoái 57,7% vốn tại Vinaconex cho An Quý Hưng, thu về 7.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt thương vụ lớn khác cũng được thực hiện như: Berjaya (Malaysia) bán 75% cổ phần của InterContinental Hanoi Westlake với giá 1.244 tỷ đồng cho BRG; Saigon Coop mua lại chuỗi siêu thị Auchan; Keppel Land mua 60% cổ phần 3 lô đất từ Địa ốc Phú Long; Nam Long chi hơn 2.300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần Dự án Dong Nai Waterfront City; CapitaLand hoàn tất mua lại Ascendas and Singbridge Pte. Ltd; Hòa Bình phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho Hyundai Elevator Co.,Ltd; Phát Đạt hợp tác đầu tư với Samty Asia Investment; VinaCapital Ventures rót vốn vào Rever…
Thời gian tới, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến thương vụ Warburg Pincus mua lại cổ phần The Grand Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, hay liên doanh các nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác với Phú Mỹ Hưng phát triển dự án cao cấp Midtown; Indochina Capital (ICC) và Kajima Corporation liên doanh phát triễn chuỗi khách sạn Wínk. Thị trường M&A 2019 – 2020 sẽ xuất hiện việc mua lại các khu công nghiệp, M&A các chuỗi khách sạn, M&A các chuỗi nhà hàng…
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam cho biết, Shohovietnam đang có đơn hàng 1 tỷ USD để M&A phát triển các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng. “Nhu cầu của các nhà đầu tư hiện nay không mua các dự án condotel, mà chủ yếu là mua khách sạn để vận hành, tập trung vào các địa điểm thu hút khách du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, hay các địa phương tập trung các khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm các khách sạn có sẵn, vị trí đẹp có thể cải tạo để phát triển thành một chuỗi khách sạn”, ông Cần cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành bất động sản, dòng vốn mua lại công ty, đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ phủ hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội có thể gia tăng do sự khan hiếm về quỹ đất và các tài sản chất lượng tại các khu vực này.
Dự báo về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao – Thị trường vốn của JLL Việt Nam – cho biết, mặc dù các hoạt động M&A có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong những tháng còn lại của năm 2019 nhưng do thiếu các dự án “sạch” và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu tư. Các biện pháp hiện tại của chính phủ sẽ tác động đến việc cải thiện tính minh bạch trên thị trường, đồng thời sẽ đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, tỏ ra thận trọng hơn và cho rằng vấn đề lớn nhất hiện thời là rào cản pháp lý với các dự án bất động sản.
“Tôi mong muốn Chính phủ quan tâm đến các vấn đề quyền sử dụng đất để có giải pháp, nếu không nó sẽ kéo thị trường xuống và ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi phải mang tính hệ thống. Chuyện này phải giải quyết xong trước khi chúng ta thực hiện làn sóng M&A mới”, ông Stephen Wyatt khiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, điều kiện để hoạt động M&A hiện nay là phải có quỹ đất sạch. Hiện nay M&A mua lại cổ phần của doanh nghiệp và trở thành cổ đông của chủ đầu tư dự án. Điều này tránh được quy định chuyển nhượng dự án phải có sổ đỏ, vì Luật đất đai hay Luật kinh doanh bất động sản đều quy định chuyển nhượng một phần hay toàn phần dự án cũng phải có sổ đỏ, mà hiện nay để có sổ đỏ là rất khó.
“M&A bây giờ còn là câu chuyện mua lại các khoản nợ xấu của doanh nghiệp thông qua tài sản thế chấp của các ngân hàng. Để hoạt động M&A phát triển thì Nhà nước cần tạo cơ chế tháo gỡ, khai thông những ách tắt của thị trường hiện nay về pháp lý, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề pháp lý. Thị trường bất động sản hiện nay do thiếu nguồn cung chứ không phải thị trường đang xấu”, ông Châu chia sẻ thêm.
T.L