Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.506 tỷ đồng, tăng 19,8% so với mức 2.092 tỷ đồng của quý I/2019. Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng gần nhất đạt 3,0%. Vị thế vốn vững chắc của ngân hàng thể hiện qua chỉ số CAR theo Basel II đạt mức 16,6%, cao hơn gấp đôi so với mức quy định
Kết thúc quý I/2020, doanh thu (TOI) của ngân hàng đạt 6.030 tỷ đồng, tăng 37,3% so với doanh thu 4.392 tỷ đồng trong quý I/2019.
Thu nhập lãi thuần đạt 4.212 tỷ đồng, tăng 22,8% so với quý I/2019. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 862 tỷ đồng, tăng 73,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 14,3% doanh thu, cao hơn mức 11,3% trong quý I/2019, với sự đóng góp đáng kể từ mảng bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. |
Chi phí hoạt động trong quý I năm 2020 là 2.138 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập đạt 35,4%, so với mức 36,6% cùng kỳ năm ngoái và mức 35,3% của quý IV/2019.
Chi phí dự phòng của quý I/2020 tăng lên 772 tỷ đồng, so với mức dự phòng 167 tỷ đồng của quý I/2019, thể hiện sự thận trọng của ngân hàng trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
Tổng tài sản đạt 391,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 2,1% so với thời điểm cuối 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 31/3/2020 đạt 265,4 nghìn tỷ, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với cuối năm 2019.
Tiền gửi khách hàng tại 31/3/2020 là 235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,0% so với cùng kỳ 2019. Tiền gửi không kì hạn (CASA) đạt 75,7 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với quý I/2019. Trong khi đó, tiền gửi có kì hạn đạt 159,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái do ngân hàng tiếp tục tập trung vào tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn. Nhờ đó, tỷ lệ CASA cuối quý I/2020 đạt 32,2%, cao hơn mức 28,2% cuối quý I/2019.
Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 76,8%, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn là 30,7%, tốt hơn mức 38,4% vào thời điểm cuối năm 2019.
Ngân hàng cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ theo Basel II đạt 16,6%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II (8%), và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm 31/12/2019.
Tại thời điểm 31/03/2020, tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 1,1%, thấp hơn mức 1,3% tại 31/12/2019 và 1,8% tại 31/03/2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm 31/03/2020 là 117,9%.
Trong quý 1/2020, Chính phủ đã nỗ lực áp dụng các biện pháp các biện pháp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế và hoạt động kinh doanh trong cả nước. Để đối phó với dịch Covid-19, ngân hàng cũng đã triển khai nghiêm ngặt các biện pháp an toàn để bảo vệ khách hàng và CBNV, cũng như đảm bảo toàn bộ chi nhánh và cây ATM hoạt động bình thường. Những biện pháp này cùng với việc dẫn đầu thị trường trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số đã đảm bảo cho khách hàng của Techcombank luôn được phục vụ tốt nhất trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Thêm vào đó, Techcombank cũng đã công bố gói hỗ trợ toàn diện cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Vân Thư