Vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) là hệ thống ngăn ngừa nhằm cung cấp sử dụng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm qua việc phân tích các mối nguy về sinh học, hoá học và vật lý vốn có trong quá trình sản xuất, từ thu mua nguyên vật liệu, xử lý, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Nhiều năm qua, các vấn đề mất an toàn thực phẩm, ngộ độc do sử dụng rượu chứa metanol hoặc sử dụng thức ăn nhiễm khuẩn… liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 1 người mắc bệnh truyền qua thực phẩm. Nhiều năm qua, các vấn đề mất an toàn thực phẩm, ngộ độc do sử dụng rượu chứa metanol hoặc sử dụng thức ăn nhiễm khuẩn… liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.
Theo đó, TCVN 5603 thường được gọi là tiêu chuẩn HACCP, là một trong các tiêu chuẩn nền tảng về an toàn vệ sinh thực phẩm, được áp dụng rộng rãi tại cơ sở chế biến thực phẩm.
Ngày 06/04/2023, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn CODEX CXC 1-1969, bản soát xét 2020, General principles of food hygiene, thay thế TCVN 5603:2008 (CAC/RCP 1-1969, Rev.4-2003). Trong phiên bản năm 2020 này đã có nhiều thay đổi.
Tiêu chuẩn này đưa ra các nguyên tắc chung để sản xuất thực phẩm an toàn và phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng dựa trên các biện pháp kiểm soát vệ sinh và an toàn thực phẩm cần thiết được thực hiện trong sản xuất (bao gồm cả sản xuất ban đầu), chế biến, chuẩn bị, bao gói, bảo quản, phân phối, bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận chuyển thực phẩm cũng như các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm cụ thể sẽ được áp dụng ở các bước nhất định trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, khi thích hợp.
So với phiên bản năm 2008, TCVN 5603:2023 có những thay đổi như sau, về cấu trúc tiêu chuẩn, TCVN 5603:2023 được bố cục lại gồm hai chương: Chương 1 Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Chương 2 Hệ thống phân tích mối nguy, điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), với các nội dung hướng dẫn chi tiết.
Về bố cục, nội dung tiêu chuẩn tách thành 2 chương: Chương 1 Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Chương 2 Hệ thống phân tích mối nguy, điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), với các nội dung hướng dẫn chi tiết. Về kiểm soát mối nguy, chất gây dị ứng được đưa vào kiểm soát ngang hàng với 3 mối nguy truyền thống (sinh học, vật lý, hóa học). Tiêu chuẩn mới cũng linh hoạt trong việc áp dụng sơ đồ cây HACCP để xác định các điểm kiểm soát tới hạn (CCP).
Việc áp dụng TCVN 5603:2023 theo phiên bản cập nhật mới nhất của tiêu chuẩn Codex sẽ giúp doanh nghiệp xác định và kiểm soát các mối nguy tiềm ẩn, từ đó tiến thành khắc phục sớm, giảm được rất nhiều các rủi ro về an toàn thực phẩm.
Đồng thời với TCVN 5603:2023, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng công bố TCVN ISO/TS 22002-5:2023 về vận chuyển và bảo quản thực phẩm. Đây là tiêu chuẩn thuộc bộ tiêu chuẩn TCVN ISO/TS 22002 (ISO/TS 22002) Chương trình tiên quyết về an toàn thực phẩm.
Như vậy, bộ TCVN ISO/TS 22002 sẽ có đủ 6 phần áp dụng cho chuỗi thực phẩm, bao gồm sản xuất bao bì thực phẩm; sản xuất thức ăn chăn nuôi; nuôi trồng; chế biến thực phẩm; vận chuyển và bảo quản; cung cấp thực phẩm. Đây là các tiêu chuẩn rất quan trọng hỗ trợ việc thực hiện TCVN ISO 22000:2018 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm.
Có thể nói, sự ra đời của TCVN 5603:2023 là một cơ sở thích hợp làm chuẩn để doanh nghiệp áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tiêu chuẩn này góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn của sản phẩm cung cấp ra thị trường, đồng thời góp phần tích cực vào tăng uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trong việc áp dụng có thực chất và tuân thủ nghiêm túc theo các yêu cầu mà tiêu chuẩn đặt ra.