Truy xuất nguồn gốc là quá trình cho phép các đối tác theo dõi sản phẩm khi được chuyển từ vườn trồng đến cơ sở bán lẻ hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. (Ảnh minh họa).
Người tiêu dùng mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn và đủ dinh dưỡng. Họ cũng mong muốn những bên tham gia trong chuỗi cung ứng có biện pháp thực hành hiệu quả để cho phép định danh, định vị và thu hồi nhanh chóng các lô thực phẩm khi nghi ngờ hoặc xác nhận có vấn đề.
TCVN 12827:2023 về Truy xuất nguồn gốc – yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi được ban hành để hỗ trợ việc áp dụng các biện pháp thực hành kinh doanh nhất quán nhằm quản lý hiệu quả khả năng truy xuất nguồn gốc đối với ngành sản xuất rau quả tươi.
Trong đó, truy xuất nguồn gốc là quá trình cho phép các đối tác theo dõi sản phẩm khi được chuyển từ vườn trồng đến cơ sở bán lẻ hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mỗi đối tác thương mại tham gia truy xuất nguồn gốc phải định danh được nguồn trực tiếp (nhà cung cấp) và người tiêu thụ trực tiếp (khách hàng) của sản phẩm.
Ưu tiên hàng đầu trong truy xuất nguồn gốc là để bảo vệ người tiêu dùng thông qua định danh sản phẩm nhanh hơn và chính xác hơn. Điều này rất quan trọng khi sản phẩm bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.
Cụ thể, tiêu chuẩn này áp dụng cho các biện pháp truy xuất nguồn gốc từ cơ sở trồng trọt ban đầu đến cơ sở bán lẻ hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (truy xuất nguồn gốc bên ngoài) và điểm bán lẻ cho người tiêu dùng, để hỗ trợ các sự kiện theo dõi trọng yếu (CTE) như thu hoạch, đóng gói (đóng gói lại) sản phẩm, vận chuyển, tiếp nhận hàng, sơ chế và bán hàng;
Xem xét các biện pháp truy xuất nguồn gốc bắt đầu từ cơ sở trồng trọt; Áp dụng cho tất cả sản phẩm rau quả tươi dùng làm thực phẩm; Áp dụng cho mọi cấp độ được định danh đơn nhất bao gồm sản phẩm ban đầu hoặc thương phẩm (ví dụ: hộp/thùng cac-tông, vật phẩm tiêu dùng), đơn vị logistic (ví dụ: thùng hàng, công-ten-nơ);
Bao gồm tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng: cơ sở trồng trọt, cơ sở đóng gói/cơ sở đóng gói lại, nhà phân phối, nhà bán buôn, cơ sở bán lẻ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mỗi chuỗi cung ứng có thể được tạo thành từ một số hoặc tất cả các bên nêu trên. Mô hình chuỗi cung ứng rau quả tươi nêu trong tiêu chuẩn này là mô hình ứng dụng hệ thống GS1 để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Được biết, TCVN 12827:2023 thay thế TCVN 12827:2019 và được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của GS1 Fresh Fruits and Vegetables Traceability Guideline (2021). TCVN 12827:2023 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F10 Rau quả và sản phẩm rau quả biên soạn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.