TCVN 10736-28:2023 xác định phát thải mùi từ các sản phẩm xây dựng

(CL&CS) - Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà tới từ nhiều nguồn phát thải khác nhau, trong đó phải kể tới phát thải mùi từ sản phẩm xây dựng. Do đó việc xác định phát thải mùi từ các sản phẩm này theo TCVN 10736-28:2023 góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả.

Một trong những khía cạnh quan trọng trong công tác thiết kế và vận hành công trình xây dựng hiện nay là đảm bảo chất lượng không khí trong nhà. Bởi phần lớn thời gian của con người dành cho các hoạt động trong nhà (chiếm 86,9%), còn lại là hoạt động ngoài trời (chiếm 7,6%) và trên các phương tiện giao thông (chiếm 5.5%).

Việc tạo ra môi trường khí hậu bên trong các công trình như mức nhiệt độ tiện nghi, yên tĩnh, đủ ánh sáng, có đủ không khí trong lành, không bị ẩm ướt hay các chất ô nhiễm và không bị gió lùa… là yêu cầu cần thiết, nhờ đó con người có thể làm việc và sinh sống khỏe mạnh. Ngược lại tình trạng ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người.

Chất lượng không khí trong nhà bị ảnh hưởng do lưu lượng và chất lượng của không khí sạch cấp vào, ngoài ra bị ô nhiễm bởi chính các hoạt động của con người và của các vật liệu được sử dụng trong các nhà. Các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà thường được tích lũy bởi phương án thông gió của công trình; Sự xâm nhập của các chất ô nhiễm ngoài trời vào trong nhà; Các hoạt động của con người bên trong nhà (quét dọn, vệ sinh), phát thải của một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ các sản phẩm tẩy rửa dân dụng; Phát thải từ vật liệu xây dựng và đồ nội thất trong nhà. 

Ở Việt Nam, nhất là một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Do đó để kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhà nhất là phát thải mùi từ các sản phẩm xây dựng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thẩm định (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10736-28:2023 về Không khí trong nhà - Phần 28: Xác định phát thải mùi từ các sản phẩm xây dựng. 

Chất lượng không khí trong nhà trong lành là yếu tố quan trọng giúp con người sống khỏe hơn. Ảnh minh họa 

Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này quy định phương pháp thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sử dụng các buồng thử được xác định trong TCVN 10736- 9 (ISO/FDIS 16000- 9) và các quy định bổ sung trong EN 16516 và quy trình đánh giá để xác định các mùi khó chịu phát ra từ các sản phẩm và vật liệu xây dựng.

Về nguyên tắc phát thải mùi từ các sản phẩm và vật liệu xây dựng được đo sử dụng đội đánh giá cảm quan mùi. Xác định mùi có thể được tiến hành đồng thời với các phép đo phát thải hóa học theo TCVN 10736-9 (ISO/FDIS 16000-9) và quy định thêm trong EN 16516. Các đặc tính mùi được đề cập trong tiêu chuẩn này là khả năng chấp nhận được và cường độ nhận biết được. Tùy thuộc vào nhiệm vụ đo lường, các đặc tính này của mùi hoặc kết hợp các đặc tính đó có thể được xác định.

Yêu cầu chung về thử nghiệm được mô tả trong TCVN 10736- 9 (ISO/FDIS 16000- 9) và quy định thêm trong EN 16516 phải được đáp ứng. Không khí cấp phải đủ sạch để đảm bảo các yêu cầu nền đối với buồng thử phát thải được đáp ứng. 

Buồng thử phát thải và mùi nền phòng thử của không khí trong phòng thử và buồng thử phát thải kể cả hệ thống trình diễn và vật chứa mẫu phải thấp để tránh những ảnh hưởng đến việc đánh giá mùi. Mùi nền buồng thử phát thải kể cả hệ thống trình diễn mẫu và vật chứa mẫu phải được đội đánh giá mùi đánh giá.

Mùi nền (cường độ chấp nhận và mức độ cảm thụ) của không khí trong phòng phục hồi và phòng thử kể cả tất cả các thiết bị trong điều kiện làm việc phải được đánh giá theo TCVN 10736-30 (ISO 16000- 30) trước khi bắt đầu đánh giá mùi lần đầu.

Điều kiện phòng thử nghiệm (nhiệt độ, độ ẩm) trong phòng thử phải gần với điều kiện của buồng thử phát thải 25 °C và RH 65 % với dao động tối đa ± 3 °C và rH ± 10 %. Cần phải tránh tiếp xúc của các thành viên đội đánh giá với ánh sáng mặt trời trực tiếp. Phòng thử nghiệm phải không có bất kỳ các nguồn liên quan đến tiếng ồn và ánh sáng, mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phép đo trong toàn bộ tiến trình đo.

Phòng thử nghiệm phải được thông gió tốt để duy trì một môi trường không mùi và để cung cấp không khí sạch cho các thành viên đội đánh giá. Ngoài không khí được lấy trực tiếp trên phễu, tỷ lệ trao đổi không khí tối thiểu bằng 5 h-1 với không khí sạch được khuyến cáo. Điều kiện phòng phục hồi chính như độ ẩm tương đối thấp hơn 40% dẫn đến ảnh hưởng nhận biết mùi. Các giá trị cao hơn 70% gây nhiễu với đánh giá được chấp nhận.

Quy trình chuẩn để đánh giá mùi được thực hiện bằng cách sử dụng dụng cụ chứa mẫu. Ngoài ra, có thể đánh giá trực tiếp từ đầu ra của buồng thử khí thải nếu đảm bảo đủ dòng không khí và với điều kiện là các kết quả có thể so sánh được hoặc tương quan với kết quả của quy trình chuẩn trong các điều kiện được áp dụng. Thử mùi nền phải được thực hiện trước mọi tải của buồng thử khi thải để xác nhận hiệu suất của bước làm sạch. Phép thử mùi nền phải được thực hiện chính xác như quy trình chuẩn ngoại trừ việc không đưa mẫu thử vào buồng thử phát thải. Mùi nền phải phù hợp với yêu cầu trước khi tiến hành chuẩn bị đánh giá mùi của mẫu thử.

Các phép đo phải được thực hiện tại các thời điểm lấy mẫu được xác định trước. Thời gian thử nghiệm khí thải và mùi được xác định bởi mục đích của thử nghiệm. Mẫu thử phải được giữ trong buồng thử phát thải trong toàn bộ thời gian thử. Dụng cụ chứa mẫu phải kín khí và không gây ra mùi nền ảnh hưởng đến kết quả thử. Do quá trình làm sạch hoặc sử dụng bình thường, các vết nứt hoặc rò rỉ có thể xảy ra tại các mối hàn hoặc trong vật liệu của dụng cụ chứa mẫu. Phải cẩn thận trước khi sử dụng để đảm bảo rằng mỗi dụng cụ chứa mẫu riêng lẻ phải đủ kín khí.

Do các chất hữu cơ có mùi từ mẫu mùi có thể hấp thụ vào bề mặt bên trong của vật liệu làm dụng cụ chứa dẫn đến kết quả thấp không chính xác. Khi đổ đầy vật chứa mẫu mùi, phải chú ý sao cho toàn bộ thể tích của dụng cụ chứa được tráng đủ bằng mẫu không khí để đạt được trạng thái ổn định giữa hấp thụ và giải hấp ở bề mặt bên trong. Dụng cụ chứa phải được đổ đầy và làm trống không khí thải của buồng thử phát thải ít nhất ba lần và được làm trống một lần nữa trước khi cuối cùng được đổ đầy mẫu không khí và niêm phong. Tùy thuộc vào dòng không khí có sẵn, quy trình này có thể mất vài giờ.

Trong toàn bộ quá trình thử, phải tránh việc điều chỉnh các mẫu mùi được cung cấp và đặc biệt là mùi chuẩn của thang đo so sánh. Do đó, quá trình ngửi các phễu thường phải được thực hiện càng ngắn càng tốt và ấn tượng đầu tiên về mùi phải mang tính quyết định đối với sự đánh giá của các thành viên đội. 

Việc đo một mẫu mùi hoặc nồng độ chuẩn không được kéo dài quá 90s. Nếu không thực hiện được, thành viên đội phải hủy bỏ quá trình và làm quen lại với môi trường trong ít nhất 5 min trước khi đánh giá lại mùi được cung cấp.

Lưu ý, độ chính xác đạt được thông qua các thử cảm quan khứu giác được tiến hành bởi các thành viên đội đánh giá mùi có thể được thể hiện bằng giá trị trung bình của khoảng tin cậy. Khoảng tin cậy có thể tính được . Tính khoảng tin cậy được dựa trên giá trị quan sát được, và giới hạn trong đó giá trị trung bình thực có thể được xác định.

Trong quá trình báo cáo thí nghiệm ít nhất phải bao gồm các thông tin về phòng thí nghiệm; Mô tả mẫu thử; Chuẩn bị mẫu thử; Điều kiện và quy trình thử nghiệm; Kết quả...

ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN 10736-28:2023 

VUI LÒNG LIÊN HỆ:

Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268

Email: ismq@tcvn.gov.vn

TIN LIÊN QUAN