Nắm bắt được xu hướng này, Hoàng Tùng đã sáng lập công ty Cloud Kitchen Food Home với thương hiệu Cloud Cook và đã đến Shark Tank mùa 4 gọi số vốn 4 tỷ cho 15% cổ phần. Chia sẻ thêm về ý tưởng kinh doanh của mình, Hoàng Tùng cho biết, hiện có khoảng 200 ngàn nhà bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn trên thị trường. Cloud Cook sẽ tập trung các nhà bán hàng trên ứng dụng đó về một mô hình bếp trung tâm. Lợi thế cạnh tranh của Cloud Cook so với các bếp trung tâm riêng của các ứng dụng giao đồ ăn là không bị độc quyền, không bị hạn chế việc chỉ được bán tại một ứng dụng duy nhất. “Nếu tham gia vào mô hình Cloud Cook, với số vốn chỉ vài chục triệu đồng, các nhà bán hàng đã có thể khởi tạo khu bếp và bán hàng qua các ứng dụng…Nó sẽ tiết kiệm tài nguyên cho xã hội rất nhiều” – Hoàng Tùng nhận định.
Với mô hình này, Hoàng Tùng sẽ thu tiền từ việc cho thuê các gian bếp tại bếp trung tâm, mỗi một gian bếp sẽ có chi phí từ 5-10 triệu / tháng và mỗi trung tâm của Cloud Cook sẽ có tối đa 10 bếp. Hiện, Cloud Cook đang có 2 điểm tại Hà Nội. Là một chuyên gia bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn, Hoàng Tùng tự tin mình có thêm một lợi thế cạnh tranh hơn các mô hình “bếp trên mây” hiện có tại thị trường đó chính là “bên em có khả năng đào tạo những nhà bán hàng được bán hàng tốt hơn. Cá nhân em là một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn”.
Trước câu hỏi của các Shark về doanh thu, lợi nhuận, số vốn ban đầu, kế hoạch tiếp theo… Hoàng Tùng trả lời, số vốn đăng ký là 1,5 tỷ, thực tế đã bỏ vào dự án này 900 triệu, doanh thu năm 2020 là hơn 2 tỷ nhưng mới đạt được điểm hòa vốn và nếu tính sát còn có thể lỗ vì chưa tính lương của nhà sáng lập. Nếu được đầu tư tại Shark Tank, anh dự định sẽ mở rộng bếp trung tâm ở quy mô lớn hơn.
Nhận xét về Cloud Cook, Shark Phú cho rằng “nếu thuê gian bếp với chi phí 10 triệu 1 gian thì một chục, một trăm hay một nghìn gian thì ít quá, không bõ công đầu tư…Nếu ăn chia dựa trên doanh thu đồ ăn thì còn có tiềm năng. Anh cảm giác sức tăng trưởng không lớn”. Chính vì vậy, Shark Phú là nhà đầu tư đầu tiên rút khỏi deal này.
Cùng quan điểm với Shark Phú, Shark Hưng cũng nhìn nhận mô hình này giống như co-working space (mô hình văn phòng hợp tác) trong lĩnh vực bếp. “Nếu bạn thực sự là Cloud Kitchen, bạn hợp tác ăn chia doanh số với đầu bếp – những người đam mê nấu ăn nhưng không biết cách bán hàng thì tôi nghĩ mô hình này sẽ có khả năng nhân rộng tốt hơn, nhưng phải thu tiền tập trung”. Shark Hưng cũng định hướng Hoàng Tùng nên làm marketing (tiếp thị) tổng thể cho toàn bộ gian bếp. Bên cạnh đó, Shark Hưng cũng chỉ ra vấn đề lớn mà Cloud Cook chưa giải quyết được, đó là chi phí vận chuyển với việc phụ thuộc vào các ứng dụng giao hàng. Nhận thấy chưa có lợi thế để giải quyết các vấn đề mà startup đang gặp phải, Shark Hưng cũng tuyên bố không đầu tư.
Cũng có chung nhìn nhận như 2 Shark trên, Shark Bình cho rằng, bản chất của “bếp trên mây” là phải kiếm tiền từ các giao dịch. “Mô hình này anh nghĩ là không sống được và chắc là anh phải từ chối đầu tư”.
Liên tiếp bị 3 Shark nhìn nhận mô hình chưa hiệu quả, Hoàng Tùng dần trở nên lúng túng. Shark Bình tiếp lời “Em sẽ phải chuyển mô hình này theo mô hình bếp trung tâm theo đúng ý nghĩa của nó, ăn lợi nhuận trên margin bán hàng”. Nếu Hoàng Tùng đồng ý, hệ sinh thái của Shark Bình sẽ hỗ trợ cho Cloud Cook như: livestream bán hàng trên mạng xã hội, có ứng dụng giao hàng hỗ trợ, giảm được chi phí cho doanh nghiệp. Với những đóng góp này, Shark Bình đề nghị 4 tỷ cho 35% “với điều kiện chuyển sang mô hình kinh doanh mà anh đã tư vấn” – Shark Bình nhấn mạnh.
Shark Việt và Shark Hưng tiếp tục chỉ ra lỗ hổng trong bài toán tài chính cũng như mô hình kinh doanh mà Cloud Cook đang mắc phải. “Với mức đầu tư là 900 triệu, doanh thu khoảng 2 tỷ, đang lỗ mà gọi đầu tư 4,5 tỷ cho 15% thì bài toán tài chính chưa được hợp lý” – Shark Hưng phân tích. Shark Việt cũng cho rằng ý tưởng của Cloud Cook “hơi lãng mạn”.
Là Shark nữ duy nhất trong Hội Đồng Đầu Tư, cũng như từng có một deal về ẩm thực thành công trước đó (Vua Cua), Shark Liên dường như thấu hiểu Hoàng Tùng và mô hình kinh doanh của anh: “Cái mà chị đang quan tâm…là em đã tạo công ăn việc làm cho số đông của cộng đồng. Lợi thế của chị là chị có cộng đồng phụ nữ vài chục nghìn người…Ngay lập tức em mở ra bao nhiêu có thể lấp đầy cho em luôn”.
Bản thân Hoàng Tùng cũng nhận thấy những điều Shark Liên có thể giúp Cloud Cook rất lớn, không chỉ là tiền mà còn là giá trị cho cộng đồng và khả năng mở rộng mô hình. Vì vậy. Hoàng Tùng muốn tăng số cổ phần có thể offer: 4 tỷ cho 20% để có thể kêu gọi các Shark đi cùng anh và ngay bây giờ anh muốn nghe thêm ý kiến của Shark Việt – người chưa đưa ra quyết định. Bất ngờ, Shark Liên liền offer gấp đôi cho Hoàng Tùng: “8 tỷ cho 40%. Cho knock out (hạ gục) 2 Shark luôn”, khiến các Shark không khỏi ngạc nhiên, Shark Hưng còn thốt lên “chỉ có Shark Liên mới trả cái giá này”. Trước đề nghị này, Shark Việt đã từ chối đầu tư, để lại “cuộc chiến” cho Shark Liên và Shark Bình.
Để giành lấy startup tiềm năng, Shark Bình tiếp tục đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 33% cổ phần kèm theo nhiều lời “chiêu dụ” hấp dẫn. Nếu như Shark Bình có các “gió đông” trong hệ sinh thái thì Shark Liên có cộng đồng phụ nữ, có thể lấp đầy các gian bếp tại Cloud Cook khiến nhà sáng lập bối rối và phân vân. Sau một thời gian suy nghĩ và nhận ra những thiếu sót trong mô hình kinh doanh của mình, anh đưa ra đề nghị mời 2 Shark cùng mình xây dựng và phát triển Cloud Cook, tùy các Shark cân đối của tỷ lệ. Cuối cùng, Shark Bình đề nghị mỗi Shark vào 3 tỷ cho 20% cổ phần, tổng cộng là 6 tỷ cho 40% cổ phần. Và Hoàng Tùng đã chấp nhận đề nghị này với mong muốn cả 2 Shark cùng vào “để tạo ra một điều gì đấy thật lớn lao cho ngành F&B của Việt Nam” – Hoàng Tùng bày tỏ.
Đón xem tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 4 tại: https://youtu.be/kQu8AdcxlIY