Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng

(CL&CS) - Vấn đề quy hoạch xây dựng được nêu rõ trong Thông tư 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được hiểu là các quy định của pháp luật về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và về yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thể hiện dưới hình thức là văn bản và có tính chất bắt buộc áp dụng.

Theo Điều 1.1 Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 05 năm 2021 về việc ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy định về quy hoạch xây dựng cụ thể như sau: Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian đô thị, nông thông và các khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, nhằm bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo quy định của pháp luật, quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được hiểu là các quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động quy hoạch xây dựng vùng, vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (được gọi tắt là quy hoạch đô thị-nông thôn) bao gồm quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương trong lĩnh vực quy hoạch đô thị-nông thôn. Đối với công tác quy hoạch xây dựng các khu chức năng ngoài việc tuân thủ quy định trong quy chuẩn về quy hoạch xây dựng được ban hành còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn có liên quan.

Ảnh minh hoạ.

Hiện nay pháp luật đã đặt ra một số yêu cầu chung trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Trong đó, yêu cầu về dự báo trong đồ án xây dựng, pháp luật quy định trong đồ án phải dự báo được các vấn đề như dân số, lao động, đất đai,... với thời gian dự báo tối thiểu là 05 năm gần nhất và các chỉ số tiêu dùng, quy định, khống chế tại quy hoạch cao hơn, với dự báo dân số phải đảm bảo cả dự báo dân số thường trú và dự báo dân số tạm trú, các thành phần dân số khác; ngoài ra trong đồ án còn phải dự báo các vấn đề về tai biến thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;...

Pháp luật quy định, kết quả của dự báo phải phù hợp với khả năng dung nạp, đáp ứng của đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Yêu cầu về lựa chọn đất xây dựng, yêu cầu này đòi hỏi khu vực được chọn để xây dựng phải đáp ứng yêu cầu như các lợi thế kinh tế, xã hội, hạ tầng, môi trường và cảnh quan;... đối với khu vực dự báo chịu tác động từ nước biển dâng, việc lựa chọn đất xây dựng phải tính toán đến tác động mực nước biển dâng theo các kịch bản của quốc gia. Ngoài ra, pháp luật yêu cầu, nếu trong trường hợp bắt buộc phải xây dựng tại các khu vực có nguy cơ xuất hiện hoặc bị ảnh hưởng từ các tai biến thiên nhiên, quy hoạch phải đề xuất được giải pháp giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Yêu cầu về định hướng tổ chức không gian cấp vùng (huyện, liên huyện), pháp luật quy định các phân vùng đồ án quy hoạch phải được đề xuất dựa trên các đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội, môi trường và sinh thái vùng; pháp luật quy định việc phân vùng phải lồng ghép với các giải pháp kiểm soát quản lý theo các mức độ mà pháp luật quy định; hệ thống đô thị trong vùng phải đảm bảo có khả năng phát triển, mở rộng, thỏa mãn các yêu cầu về môi trường, an toàn cho định cư, đảm bảo đô thị phải liên kết thuận lợi với các đô thị khác; ngoài ra cần đáp ứng điều kiện về hệ thống điểm dân cư nông thôn; điều kiện xây dựng các khu công nghiệp, việc bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên và đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng xã hội.

Yêu cầu về tổ chức không gian toàn đô thị và các khu chức năng trong đô thị, bao gồm quy định về yêu cầu tổ chức không gian toàn đô thị; quy định về yêu cầu đối với các khu chức năng, các phân khu trong đô thị và các trung tâm; yêu cầu về quy hoạch không gian xanh, đất xanh đô thị; yêu cầu về quy hoạch hạ tầng xây dựng; quy định về yêu cầu xây dựng các khu chức năng; quy định về yêu cầu thể hiện mức độ các đồ án quy hoạch.

Ngoài quy định chung, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng còn quy định bắt buộc về kỹ thuật cụ thể như quy định yêu cầu về đất dân dụng, luật quy định chỉ tiêu đất dân dụng bình quân tối thiểu và tối đa toàn đô thị được quy định dựa trên loại đô thị và cụ thể thể hiện trong Bảng 2.1 Bảng chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị (tương ứng với mật độ dân số bình quân toàn đô thị/diện tích đất dân dụng) Thông tư 01/2021/TT-BXD.

Các yêu cầu về đất ở đơn vị, quy định cụ thể tại Bảng 2.2. Bảng chi tiêu đất đơn vị ở bình quân toàn đô thị theo loại đô thị theo Thông tư 01/2021/TT-BXD. Yêu cầu về các công trình dịch vụ - công cộng bao gồm các yêu cầu về phân cấp công trình dịch vụ - công cộng; quy định về hệ thống công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị, cụ thể tại Bảng 2.3 Bảng Quy mô tối thiểu của các công trình dịch vụ - công công cấp đô thị tại Thông tư 01/2021/TT-BXD; Quy định về hệ thống công trình dịch vụ - công cộng cấp đơn vị ở chi tiết tại Bảng 2.4 Bảng Quy mô tối thiểu các công trình dịch vụ - công cộng cấp đơn vị ở.

Yêu cầu về đất cây xanh, được quy định cụ thể như sau: đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị phải đảm bảo thuận tự nhiên cho mọi người dân tiếp cận sử dụng. Phải quy hoạch khai thác sử dụng đất cây xanh tự nhiên, thảm thực vật ven sông, hồ, ven kênh rạch, ven biển,... để bổ sung đất xanh đô thị; Các đô thị có cảnh quan tự nhiên đặc trưng giá trị phải có giải pháp quy hoạch khai thác và bảo tồn cảnh quan này. Diện tích tối thiểu đất cây xanh tham khảo Bảng 2.5 Thông tư 01/2021/TT-BXD.

Yêu cầu về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, pháp luật quy định cụ thể một số yêu cầu chung và yêu cầu về khoảng cách an toàn môi trường, quy định về việc sử dụng đất và tỷ lệ tối thiểu đất giao thông, cây xanh, các khu kỹ thuật trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao (tham khảo Bảng 2.6 Thông tư 01/2021.TT-BXD)...

TIN LIÊN QUAN