Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yêu cầu quan trọng với mỗi doanh nghiệp

(CL&CS) - Nhìn chung, đối với mỗi doanh nghiệp, việc quan tâm đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngay từ những khâu nhỏ nhất, những bước đầu tiên là yêu cầu sống còn nếu muốn hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng quan trọng. Đồng thời, chất lượng cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

Theo đó, muốn đạt được chất lượng mong muốn cần phải có sự quản lý đúng đắn. Hoạt động quản lý trong lĩnh vực chất lượng được gọi là quản lý chất lượng. Hoạt động này bao gồm các hoạt động nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Quản lý chất lượng đảm bảo cho các doanh nghiệp làm đúng những việc phải làm. Các doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phải tìm hiểu và áp dụng có hiệu quả các tư tưởng và công cụ quản lý chất lượng.

Quản lý chất lượng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa.

Trước hết, quản lý chất lượng bắt đầu từ những hoạt động mang tính định hướng. Việc định hướng được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như xây dựng nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chính sách, xây dựng mục tiêu, xây dựng tầm nhìn.

Xác định đúng đắn các hoạt động định hướng là điều cơ bản đối với mọi tổ chức, tuy nhiên nếu chỉ định hướng đúng đắn thôi là chưa đủ, mỗi tổ chức cần xác định và áp dụng các công cụ để kiểm soát mọi hoạt động của tổ chức liên quan đến chất lượng, hài hòa và hướng mọi hoạt động này nhằm đáp ứng các mục tiêu, chính sách đã đề ra, thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng và các bên liên quan.

Các hoạt động kiểm soát có thể bao gồm hoạch đinh chiến lược, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng, cải tiến chất lượng. Cụ thể, hoạch định chất lượng là tập trung vào việc lập mục tiêu chất lượng và qui định các quá trình cần thiết và các nguồn lực có liên quan để thực hiện các mục tiêu chất lượng.

Kiểm soát chất lượng là tập trung vào thực hiện các yêu cầu chất lượng đã xác định. Đảm bảo chất lượng là tập trung vào cung cấp lòng tin rằng các yêu cầu chất lượng sẽ được thực hiện. Cải tiến chất lượng là tập trung vào nâng cao khả năng thực hiện các yêu cầu chất lượng. Một trong những yêu cầu cơ bản của quản lý chất lượng hiện đại là cải tiến liên tục, đó là hoạt động lặp lại để nâng cao khả năng thực hiện các yêu cầu đó.

Cũng như chất lượng, quản lý chất lượng cũng được định nghĩa và hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Quản lý chất lượng hiện đại và quản lý chất lượng truyền thống có một số khác biệt cơ bản. Ví dụ như, mục tiêu của quản lý chất lượng truyền thống là ngắn hạn với lợi nhuận cao nhất thì quản lý chất lượng hiện đại là kết hợp giữa dài hạn và ngắn hạn, thỏa mãn nhu cầu khách hàng ở mức cao nhất. Hoặc về đánh giá chất lượng, nếu như quản lý chất lượng truyền thống là theo những tiêu chí do doanh nghiệp thiết kế ra thì quản lý chất lượng hiện đại lại chính là phản ứng và sự hài lòng của khách hàng.

Nhìn chung, đối với mỗi doanh nghiệp, việc quan tâm đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngay từ những khâu nhỏ nhất, những bước đầu tiên là yêu cầu sống còn nếu muốn hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

TIN LIÊN QUAN