Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm khẳng định: Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm tới công tác PCCC và CNCH, trong đó chú trọng tới công tác bảo đảm PCCC trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan. Hội thảo là dịp rất ý nghĩa để tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm PCCC trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh nghiên cứu, áp dụng thực hiện có hiệu quả nội dung Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Qua đó kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng và Công an tỉnh để được hướng dẫn, xử lý kịp thời khi có khó khăn, vướng mắc giải quyết theo thẩm quyền.
Đề nghị Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC để tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện trên tinh thần cầu thị, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Công tác tư vấn thiết kế và lắp đặt thiết bị PCCC cũng phải đảm bảo sự minh bạch, công khai, chính xác và an toàn. Trong công tác kiểm tra, phải kiên quyết xử lý nghiêm công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về PCCC cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm. Phối hợp với các đơn vị xây dựng, tư vấn, giám sát tổ chức hội thảo triển khai các quy định về quy hoạch, xây dựng và PCCC cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, nội dung của Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD bổ sung một số vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn cháy và thoát nạn khi có sự cố cháy nổ, có tính đến đặc thù của các công trình quy mô nhỏ và tính nguy hiểm cháy của bản thân công trình. Đồng thời, bổ sung nhiều giải pháp phù hợp để các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lựa chọn.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.
Các nội dung sửa đổi quy chuẩn đã chú trọng phân cấp cho địa phương ban hành quy định về PCCC, cho phép thay thế các yêu cầu của quy chuẩn tùy theo thực tiễn tại địa phương và thẩm quyền theo phân cấp; hình thức thay thế là quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Bổ sung hoặc sửa đổi các thuật ngữ như gian phòng chung, hành lang bên, lối ra ngoài trực tiếp, nhà hỗn hợp…
Về cải tạo sửa chữa, nội dung sửa đổi làm rõ hơn, thu hẹp phạm vi theo hướng đồng bộ với các quy định của Nghị định 136/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi. Về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, cho phép áp dụng đồng bộ mà không phải so sánh với QCVN 06:2022/BXD. Các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao đều được bổ sung thêm yêu cầu cụ thể gắn với đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng trong nước hiện nay.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ các vướng mắc khi áp dụng QCVN 06 các phiên bản trước đây. Qua đó sẽ liên tục được nghiên cứu, cập nhật để theo kịp thực tiễn, các công nghệ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, giảm chi phí và đảm bảo an toàn cho người, công trình xây dựng.