Cuộc chiến pháp lý giữa hãng xe truyền thống và hãng xe công nghệ bùng nổ từ tháng 2/2018. (Ảnh: L.Q.). |
Ngày buổn
“Hôm nay là một ngày buồn cho công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” - đại diện Grab tuyên bố sau khi phiên tòa kết thúc. Grab cũng cho rằng kết quả xét xử sẽ tạo nên tiền lệ không tốt trong tương lai khi “bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với một mô hình kinh doanh, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ”.
Grab cũng khẳng định rằng các hoạt động kinh doanh của hãng tại Việt Nam không vi phạm pháp luật và không vi phạm Quyết định 24. Hãng cũng nói rằng không có chứng cứ để chứng minh được quan hệ nhân quả giữa các thiệt hại, nếu có trên thực tế, mà Vinasun đang yêu cầu bồi thường là do hoạt động kinh doanh của Grab gây ra.
“Cho phép một vụ kiện có tính chất phản cạnh tranh được tiếp diễn sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sáng tạo công nghệ và đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh đầy thử thách với các nhà đầu tư và các công nghệ trong và ngoài nước” - Grab nói.
Hãng xe công nghệ cũng nói rằng sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi pháp lý kế tiếp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và có một kết quả công bằng. “Bất chấp phán quyết này, chúng tôi kiên quyết tiếp tục bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những cáo buộc vô lý, sai sự thật và vô văn cứ do phía Vinasun đưa ra tại tòa” - đại diện Grab nhấn mạnh.
Vụ kiện “không có căn cứ pháp luật”
Chúng ta cùng ngược dòng vụ kiện dai dẳng Vinasun - Grab hơn hai năm qua.
Trong đơn khởi kiện vào tháng 2/2018, Vinasun đòi Grab “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” vì đã làm doanh thu của Vinasun sụt giảm nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải, các luật thương mại và giao dịch điện tử, vi phạm nghĩa vụ thuế với Nhà nước và hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Lúc đó, Vinasun khẳng định Grab là nguyên nhân khiến 8.000 lái xe Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải nằm bãi. Từ đó, họ yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại một lần số tiền lên đến 41,2 tỷ đồng. TAND TP.HCM đã ra phán quyết cuối tháng 12/2018 rằng Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun.
Tuy nhiên, VKSND tối cao TP.HCM có kháng nghị phúc thẩm số 51 ngày 14/1/2019 với nhận định: Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab.
“Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng… nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật” - kháng nghị nêu.
Kháng nghị cũng nói rằng bản án sơ thẩm cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật và là lý do làm cho các xe taxi của Vinasun nằm bãi , không hoạt động gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỷ đồng mà không xem xét đến các yếu tố khác là “không có căn cứ pháp luật”.
VKSND Cấp cao TP.HCM đề nghị TAND Cấp cao TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Đại diện Grab trình bày tại phiên phúc thẩm ngày 10/3. (Ảnh: Đình Trường). |
Lãi trăm tỷ vẫn đi kiện
Vinasun nói rằng lợi nhuận của hãng teo tóp đi kể từ năm 2014-2015 khi Grab bước vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2019 vừa rồi Vinasun đã cắt được đà suy giảm lợi nhuận trong ba năm liên tiếp trước đó. Lý do không phải vì Grab yếu đi, kém cạnh tranh hơn mà vì sự thay đổi tự thân của Vinasun trước những thách thức sống còn của chính doanh nghiệp này.
Doanh thu hợp nhất của hãng taxi đạt hơn 1.991 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận kinh doanh taxi thu về gần 425 tỷ đồng. Cùng với việc cắt chi phí chính là lãi vay ngân hàng và chi phí bán hàng, Vinasun có được 47 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh taxi, gấp gần 5 lần con số năm 2018.
Các hoạt động thanh lý tài sản cố định, xe cũ và quảng cáo trên hãng taxi giúp hãng thu về 139 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, Vinasun lãi 109 tỷ đồng.
Như vậy, có lẽ sự thức thời và đổi mới cung cách quản trị của hãng taxi đã làm nên thay đổi lớn lao trên. Nhưng mức lợi nhuận này, trung bình mỗi tháng 10 tỷ đồng trước thuế, không làm Vinasun hài lòng mà tiếp tục đeo bám vụ kiện dai dẳng.
Grab sẽ có mặt ở 63 tỉnh thành
Sau phiên phúc thẩm, Grab khẳng định phán quyết của tòa phúc thẩm “không” ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam. Grab cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của chính phủ, các bộ và ngành khi thực hiện Nghị định 10.
Nghị định 10 thay thế cho Quyết định 24 có từ năm 2016 đã tạo ra cho taxi công nghệ có hành lang pháp lý mới. Trong gần bốn năm thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh và thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa) và phập phồng với các quyết định mới, nay các hãng xe công nghệ có thể bung ra khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Điều này đồng nghĩa thị trường tiềm năng mở ra rất lớn cho các hãng xe công nghệ. Dự kiến có ít nhất ba hãng - gồm Tada, ZuumViet và UniCar - sẽ tham gia cuộc đua xe công nghệ trong năm nay.
Và đó chính là một giai đoạn mới trong nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế đang bén rễ phát triển tại Việt Nam.
Xe công nghệ sau ngày 1/4/2020 Các hãng xe công nghệ và cả hãng taxi phải lựa chọn hình thức hoạt động thích hợp: Đồng hồ tính tiền hay phần mềm tính tiền từ ngày 1/4. Ngoài việc dán phù hiệu xe hợp đồng cố định ở mặt trong kính trước của xe, các xe hợp đồng điện tử của GrabCar, FastGo, beCar và các hãng khác trong tương lai sẽ phải dán cố định cụm từ “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang ở kính trước và kính sau của xe. Kích thước tối thiểu phải đạt 6cm x 20cm để dễ nhận diện và quản lý. Thời gian để xin cấp lại phù hiệu và miếng dán phản quang là trước ngày 1/7/2020, tức các lái xe có ít nhất ba tháng để thực hiện. Xe taxi cũng được lựa chọn sử dụng đồng hồ tính tiền như hiện nay hoặc phần mềm tính tiền như xe hợp đồng điện tử. |
Ricky Hồ