Phân khúc nhà phố, Shophouse đang dần mất sức hút với nhà đầu tư?

Báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2024 của Savills vừa qua cho thấy, phân khúc mặt bằng bán lẻ có tăng trưởng tốt cả về giá, nguồn cung và thanh khoản. Thế nhưng, theo dõi thị trường thời gian vừa qua, phân khúc nhà phố thương mại (shophouse)hay khối đế bán lẻ của các toà nhà chung cư có hoạt động kinh doanh rất kém. Tại cả TP. HCM và Hà Nội, rất nhiều shophouse, nhà mặt phố trong tình trạng bị trả lại mặt bằng, khó tìm kiếm khách thuê.

Theo ghi nhận, từ nhà mặt phố cho thuê thuộc các tuyến phố trung tâm Hà Nội như phố Kim Mã, Xuân Thủy, đến các dãy shophouse trên các trục đường lớn như Tố Hữu, KĐT Ngoại Giao Đoàn,… hiện đang trong tình trạng đóng cửa hàng loạt, treo biển sang nhượng, bán hoặc cho thuê. Đây là những con phố kinh doanh sầm uất, mặt đường rộng nhưng nhiều cửa hàng đang bị bỏ không, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Còn ở TP HCM làn sóng trả lại mặt bằng kinh doanh cũng diễn ra trên diện rộng, bao gồm cả các khu vực trung tâm và vùng ven.

Tại quận 1, nhiều căn nhà mặt tiền trên các tuyến đường sầm uất như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn đóng cửa, treo biển cho thuê. Giá thuê tại đây thuộc top cao nhất thế giới nhưng nhiều tháng liền không có khách thuê do chi phí duy trì vượt quá khả năng của các doanh nghiệp nhỏ.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở các khu vực ven thành phố như TP Thủ Đức và quận Gò Vấp. Các nhà phố khu phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng đóng cửa, trả mặt bằng cuối năm khá nhiều.

Tương tự, những shophouse tại các khu đô thị mới bị bỏ trống, dù hạ mức giá thuê xuống còn 10-15 triệu đồng/tháng cũng không thu hút được khách hàng.

Theo ghi nhận, phần lớn các cửa hàng kinh doanh bán lẻ, quán cà phê và nhà hàng nhỏ lẻ đều gặp khó khăn về tài chính. Nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ lượng khách giảm mạnh so với trước, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội nhận định, shophouse nở rộ thời gian dài nhưng lại không dễ để kinh doanh và khó mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư như kỳ vọng. Việc trả mặt bằng là tất nhiên.

Bà Minh cho biết thêm, tại Hà Nội, nguồn cung bán lẻ duy trì ổn định theo quý và tăng 2% theo năm nhờ ba khối đế bán lẻ mới: Heritage West Lake, Taisei Square và Grand Terra. Giá thuê gộp tầng trệt tại Hà Nội tăng 2% theo quý và 5% theo năm. Công suất thuê đạt 85%.

Tại thị trường TP.HCM, tổng nguồn cung bán lẻ tăng 1% theo quý và 6% theo năm lên 1,6 triệu m2. Nguồn cung mới tập trung ở các khu vực ngoài trung tâm nhờ quỹ đất lớn và sự mở rộng đô thị hóa.

Bà Nguyệt cũng nhận định, các chủ đơn vị bất động sản, đặc biệt là nhà phố cho thuê cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, đưa giá thuê nhà mặt phố tại Hà Nội về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá gây khó cho doanh nghiệp, hộ dân có nhu cầu thuê, kinh doanh...

Trong khi đó, theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, bên cạnh các lý do về giá cả, sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm thương mại, đại siêu thị hiện đại với những tiện ích vượt trội cũng là một phần nguyên nhân khiến mặt bằng nhà phố ngày càng “mất giá”, không còn là ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu lớn.

Để giải quyết vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, chủ mặt bằng cho thuê cần điều chỉnh chiến lược cho thuê để phù hợp với nhu cầu mới. Thay vì chỉ cho thuê mặt bằng truyền thống, họ có thể xem xét cho thuê không gian linh hoạt hoặc mặt bằng cho các mô hình kinh doanh online như kho chứa hàng cho các cửa hàng trực tuyến. Mặc dù mua sắm online đang gia tăng nhưng không gian bán lẻ truyền thống vẫn có thể tồn tại nếu được tối ưu hóa.

TIN LIÊN QUAN