Petro Vietnam sắp thoái vốn, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau hấp dẫn đến đâu?

(NTD) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đang lên kế hoạch thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. Ngoài việc giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%, Petro Vietnam dự tính sáp nhập hai doanh nghiệp hàng đầu ngành phân bón này. Ai sẽ mua số cổ phần khủng này?

Lợi nhuận cao nhưng khó tăng

Hiện tại, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) là hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón Việt Nam. Petro Vietnam đang nắm hơn 75% tại Đạm Cà Mau và hơn 61% tại Đạm Phú Mỹ.

Với lợi thế này, cả hai doanh nghiệp trên đều đạt lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, lợi nhuận ròng có xu hướng giảm dần. Tính riêng nửa đầu năm 2018, Đạm Phú Mỹ giảm 13% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ, Đạm Cà Mau cũng giảm 27% lợi nhuận. Nguyên nhân là giá khí đầu vào tăng cao (với Đạm Phú Mỹ).

Phương án thoái vốn của Petro Vietnam tại Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trong thời gian tới

Lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón về dài hạn được dự báo là khó đột biến về tăng trưởng, tạo ra phần nào khó khăn cho công tác thoái vốn của Petro Vietnam. Theo các chuyên gia tài chính, nhu cầu phân bón khó tăng mạnh do diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm. Ngoài ra, cổ tức hàng năm được trả bằng tiền mặt ở tỷ lệ cao, ăn mòn gần hết lợi nhuận doanh nghiệp.

Một thách thức khác của Petro Vietnam là khối lượng thoái vốn quá lớn, buộc phải tìm nhà đầu tư chiến lược dài hạn. Vốn hóa của Đạm Phú Mỹ gần 7.000 tỷ đồng, Đạm Cà Mau gần 6.000 tỷ đồng. Khối lượng thoái vốn của Petro Vietnam tại hai doanh nghiệp này lần lượt là 39% và 25%, tương ứng 2.730 tỷ đồng và 1.560 tỷ đồng. Giá trị này chỉ tính theo giá thị trường, với lợi thế đối tác chiến lược, nhà đầu tư có thể phải chấp nhận giá mua cao hơn giá thị trường.

Nhiều nhà đầu tư chờ đợi

Theo ông Trịnh Thanh Cần, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là hai doanh nghiệp đầu ngành, món hàng này đương nhiên hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chờ đợi cơ hội mua cổ phần. Khối lượng bán ra một lần khá lớn nên giá bán là yếu tố quan trọng giúp thương vụ thành công.

Lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ các năm gần đây

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ đang giao dịch với giá gần 18.000 đồng/cổ phiếu, DCM của Đạm Cà Mau có giá hơn 11.000 đồng/cổ phiếu. Mặt bằng giá này đã tăng khá so với hồi năm 2017, nhất là từ tháng 6/2018 đến nay. Thị trường kỳ vọng các doanh nghiệp phân bón sẽ được tăng thêm lợi nhuận nhờ chính sách thuế mới của Bộ Tài chính. Nếu được áp dụng từ đầu năm 2019, các doanh nghiệp ngành phân bón gần như được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng. Yếu tố này cũng giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc với giá rẻ hơn giá phân bón trong nước 5-7%.

Dù vậy, lợi thế này đến thì lại xuất hiện khó khăn khác, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu. Ngoài hoạt động sản xuất phân urê, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau còn nhập khá nhiều phân bón nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất phân hỗn hợp NPK. Giá phân bón nhập khẩu cộng với giá dầu tăng khiến giá khí tăng - nguyên liệu chính sản xuất phân bón - sẽ đẩy chi phí sản xuất của Đạm Phú Mỹ tăng thêm. Đạm Cà Mau cũng chịu chung số phận kể từ năm 2019, khi Petro Vietnam không còn ưu đãi giá bán khí.

Bởi vậy, theo ông Cần, để bán được số cổ phần theo kế hoạch, Petro Vietnam cần có chính sách bảo đảm giá bán và nguồn khí đầu vào ổn định cho hai doanh nghiệp trên, thì mới hấp dẫn được nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này có vẻ đang là vấn đề nan giải. Theo Đạm Cà Mau, nguồn khí hữu hạn không được dồi dào như những năm trước. Ngay cả Petro Vietnam cũng khuyến khích công ty phải tự tìm những nguồn cung cấp mới.

 Dương Nguyễn

Nên đọc