Nửa đầu năm 2018, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những ‘‘tân binh’’ này ít nhiều gặt hái được thành công dù VN-Index trải qua không ít thăng trầm.
Tiếp bước 3 ngân hàng trên, OCB cũng lên kế hoạch chào sàn trong quý 3 hoặc quý 4/2018. Cho tới nay, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra nhưng nhà đầu tư vẫn tin rằng cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có thêm một mã mới trong
năm nay.
Thế nhưng, ngay trước thềm niêm yết, OCB khiến nhà đầu tư băn khoăn khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2018 với nhiều chỉ tiêu “đẹp như mơ”. Từ đó, nhà đầu tư dấy lên “nghi án” OCB “chống lệnh” Ngân hàng Nhà nước, tăng lãi suất cho vay để tạo ra tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khủng.
Báo cáo “đẹp” như mơ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2018, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của OCB đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng, tương ứng 163% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy với con số này, trong 6 tháng đầu năm, OBC là một trong các đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành ngân hàng.
Con số lợi nhuận “đẹp như mơ” này đến từ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự bứt phá. Trong kỳ, chỉ tiêu này đạt 3.597 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng, tương ứng 41% so với nửa đầu năm 2017.
Bên cạnh thu nhập lãi thuần, một chỉ tiêu hoạt động khác của OCB cũng tăng đột biến. Đó là mua bán chứng khoán đầu tư. Trong kỳ, hoạt động này tăng vọt từ 34 tỷ đồng lên 637 tỷ đồng.
Một điểm nữa của OCB chính là tài sản tăng đáng kể. Tại thời điểm cuối quý 2/2018, tổng tài sản tại ngân hàng này đạt 90.831 tỷ đồng, tăng 6.531 tỷ đồng, tương đương 7,75% so với cuối năm 2017.
Trước thềm niêm yết, OCB công bố báo cáo tài chính với các chỉ tiêu “đẹp như mơ”. |
“Chống lệnh” Ngân hàng Nhà nước?
Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2018, lợi nhuận của OCB chủ yếu đến từ hoạt động cho vay và hoạt động đầu tư chứng khoán.
Trong vài năm gần đây, chứng khoán đầu tư chưa bao giờ là hoạt động có nhiều thế mạnh của OCB. Trong năm 2017, hoạt động này chỉ mang về cho OCB 48,7 tỷ đồng tiền lãi. Còn trong năm 2016, OCB thậm chí còn phải gánh khoản thua lỗ 262 triệu đồng.
Những con số cho thấy khoản lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư 6 tháng đầu năm 2018 tại OCB lên tới 637 tỷ đồng, cao gấp 13 lần cả năm 2017 thực sự… phi thường và khó lặp lại. Nếu không có cú bứt phá đáng ngạc nhiên này, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của OCB chỉ tăng trưởng rất khiêm tốn bất chấp OCB “chống lệnh” Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất cho vay.
Từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ trên 1 lần yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Không giảm mạnh như Vietcombank hay BIDV nhưng OCB vẫn tung ra một số chương trình ưu đãi cho khách hàng.
Thế nhưng, các số liệu thống kê cho thấy tính bình quân trong 6 tháng đầu năm, OCB không những không giảm lãi suất mà còn tăng mạnh lãi suất cho vay.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của mỗi ngân hàng có được nhờ tăng trưởng tín dụng. Tại thời điểm 30/6/2018, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại OCB đạt 52.901 tỷ đồng, tăng 5.122 tỷ đồng, tương ứng 10,7% so với cuối năm 2017 và tăng 10.596 tỷ đồng, tương đương 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng tại OCB chỉ là 25% trong khi tăng trưởng thu nhập lãi thuần lại cao vượt trội, đạt 41%. Điều này có được là do OCB tăng lãi suất cho vay.
Trung bình, 6 tháng đầu năm 2018, lãi suất cho vay tại OCB đạt 6,87%. Trong khi đó, con số này cùng kỳ năm ngoái là 6,02%. Như vậy, sau 1 năm, lãi suất cho vay bình quân tại OCB tăng 0,85%.
Vì thế có thể thấy, OCB đã đi ngược lại yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Áp lực cho tương lai
Như đã nói ở trên, thu nhập lãi thuần và lãi từ chứng khoán đầu tư đóng góp lớn vào đà tăng trưởng lợi nhuận của OCB. Nhưng cả 2 yếu tố này đều tạo ra áp lực trong tương lai cho OCB.
Trong tương lai, không dễ gì để OCB lặp lại được tốc độ tăng thần kỳ với hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Trong khi đó, OCB cũng không thể tiếp tục tăng lãi suất để duy trì đà tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Hơn thế nữa, trong kỳ do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, có vẻ như OCB “thoáng” hơn khi cho vay. Đây là tiền đề tạo nên nợ xấu. Và đó chính là vấn đề lớn OCB phải giải quyết trong tương lai.
Tại thời điểm 30/6/2018, nợ xấu tại OCB đạt 1.088 tỷ đồng, tăng 224 tỷ đồng, tương ứng 25,9% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu là 2,06%, tăng mạnh so với con số 1,79% năm 2017.
Bảo Linh