Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, giải pháp nâng cao năng suất chất lượng

(CL&CS) - Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt phương án phát triển ngành tôm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phương án này có tổng vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 20.000 tỉ đồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đến năm 2050, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau sẽ đạt hơn 6 tỉ USD.

Cà Mau có diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 280.000 ha, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD/năm trong nhiều năm liền nên được xem là địa phương trọng điểm về sản xuất thủy sản của vùng ĐBSCL. Các sản phẩm tôm nước lợ của Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận như: ASC, B.A.P, GlobalGAP…

Ngoài những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Cà Mau còn có hàng chục doanh nghiệp và tập đoàn chế biến, xuất khẩu tôm với thiết bị hiện đại cùng lực lượng lao động có tay nghề trong lĩnh vực thủy sản.

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt phương án phát triển ngành tôm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phương án này có tổng vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 20.000 tỉ đồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đến năm 2050, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau sẽ đạt hơn 6 tỉ USD.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, giải pháp nâng cao năng suất chất lượng.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết mục tiêu của phương án là phát triển Cà Mau trở thành trung tâm ngành tôm lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước với quy mô sản xuất phù hợp. Địa phương sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau trên thị trường.

Theo phương án phát triển ngành tôm, để kịp thời tháo gỡ khó khăn và đạt các mục tiêu đề ra, ngành chức năng tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển hình thức hợp tác, liên kết dựa trên các hộ nuôi, gắn với doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng như doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để xây dựng vùng nuôi tập trung.

Cà Mau khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo hình thức hợp tác công - tư, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tại vùng nuôi; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu con giống, nuôi thương phẩm đến thị trường tiêu thụ. Về nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn về thủy sản; tập huấn kỹ thuật cho người dân…

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh địa phương sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế để gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Cà Mau sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm giảm giá thành sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm.

Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm… Đồng thời, tăng cường đầu tư các chương trình, dự án và có cơ chế kinh phí đối với các dự án ngành tôm trên địa bàn Cà Mau. 

TIN LIÊN QUAN