Chinh phục nghề trồng nấm
Đến với nghề trồng nấm đã gần 5 năm, những năm đầu khi mới triển khai thực hiện, kinh nghiệm chưa có nên bà Bùi Thị Anh đã không ít lần thất bại. Với ý chí quyết tâm, sự kiên, trì chịu khó học hỏi bà Anh đã dần làm chủ được quy trình và sản xuất ngày càng hiệu quả.
Bà Bùi Thị Anh, cho biết: "Nhận thấy nấm sò, mộc nhĩ là những thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng những sản phẩm này được bày bán ở chợ chủ yếu nhập từ các nơi khác về. Với suy nghĩ, những vùng khác người dân sản xuất được mà địa phương mình không, trong khi các nguyên liệu trồng nấm dễ kiếm nên tôi đã bắt đầu tìm hiểu và xây dựng mô hình trồng nấm".
Năm 2020, qua tìm hiểu bà Anh đã đến Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) mua 10 bịch phôi nấm về treo. Dù đã tìm hiểu khá kỹ về quy trình chăm sóc nhưng lứa nấm đầu tiên đã cho kết quả không như mong đợi. Các nụ nấm còi cọc, một số bị nấm bệnh tấn công, sản lượng đạt thấp. Bà Anh đã không nản chí mà xem đó là bài học kinh nghiệm để tiếp tục cho những lần sau.
Chính suy nghĩ đó, sự kiên trì, chịu khó, nhạy bén trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, những lứa nấm tiếp theo dần được cải thiện và cho sản phẩm tốt hơn. Sau gần 2 năm "dùi mài kinh sử", từ việc chỉ mua bịch phôi về treo thì cơ sở sản xuất nấm của bà Anh đã nuôi trồng thành công vừa nhân được giống nấm để chủ động trong sản xuất vừa cung cấp bịch phôi cho nhiều hộ dân có nhu cầu.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, ngoài xưởng sản xuất nấm 500m2 trước đó, đầu năm 2024, cơ sở đã mở rộng thêm một nhà xưởng 800m2 chuyên treo bịch phôi. Nhà xưởng được đầu tư bài bản với các giàn treo bằng sắt kiên cố, giàn hấp bịch phôi, kho lạnh bảo quản nấm cùng nhiều máy móc thiết bị được đầu tư để xây dựng một quy trình khép kín, quy mô gần 100 tấn nguyên liệu/năm, cách làm này giúp tăng năng suất và giảm công lao động, từ đó giảm được chi phí.
Theo bà Anh, trồng nấm không quá phức tạp, nhưng nếu không nắm rõ quy trình kỹ thuật thì khó thành công. Bởi thế trong sản xuất bà Anh luôn tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, các tiêu chí về nhiệt độ, ánh sáng.
Quá trình trồng đến khi thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản, nước tưới phải đảm bảo sạch nên loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn sạch, an toàn vệ sinh.
"Đếm" tiền triệu mỗi ngày
Hiện nay, sản phẩm chính của cơ sở là nấm sò trắng và nấm sò xám. Với 20.000 bịch, mỗi năm cho thu 10 tấn nấm sò. Ngoài ra, mỗi năm cơ sở còn xuất bán 15.000-20.000 bịch phôi cho các hộ dân có nhu cầu.
Theo tính toán của bà Anh, giá bán hiện nay 40.000 - 45.000 đồng/kg nấm sò và 7000-8000 đồng/bịch phôi nấm, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 250 triệu đồng. Điều đáng nói, sản phẩm nấm sò tại cơ sở chị Anh luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được nhiều khách hàng tin tưởng đặt mua.
Hiện cơ sở trồng nấm của bà Anh đang tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương khoảng 5 triệu/người/tháng và nhiều lao động thời vụ.
"Tới đây, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nước tự động, sản xuất thêm các loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm Linh chi, nấm lim xanh. Đồng thời, tìm hiểu thêm thông tin, nghiên cứu các phương pháp mới theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường", bà Anh chia sẻ thêm.
Tích lũy được kinh nghiệm, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiếp cận mô hình mới đã giúp gia đình bà Bùi Thị Anh xây dựng thành công mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao ngay trên mảnh đất quê hương.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, cho biết: "Chính quyền địa phương đánh giá cao mô hình trồng nấm của gia đình bà Bùi Thị Anh. Đây là mô hình có quy mô lớn đầu tiên của xã, đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.
"Hiện UBND xã đang hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để xây dựng sản phẩm nấm của cơ sở bà Anh tham gia chương trình sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2024", ông Nguyễn Chí Nguyện cho hay.
"Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn các cấp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nấm cho bà con. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận các nguồn vốn phát triển các mô hình sản xuất, khuyến khích bà con nhân rộng phát triển mô hình trồng nấm, nâng cao thu nhập", ông Phan Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, nói.