Nhiều ngân hàng lâm tình cảnh khách hàng giảm gửi tiết kiệm và giảm vay vốn

(NTD) - Trong quý 2/2018, mặc dù bộ mặt chung của ngành ngân hàng đã sáng sủa hơn rất nhiều nhưng không ít đơn vị vẫn chật vật vì bị khách “chê”. Eximbank hay Saigonbank cũng đều phải chứng kiến cảnh khách vừa giảm gửi tiết kiệm vừa giảm vay vốn.

Thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của ngành ngân hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc huy động vốn và tín dụng là những hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng. Thế nhưng, gần đây, không ít đơn vị chứng kiến cảnh bị khách “chê” khiến cả huy động vốn và cho vay khách hàng đều giảm.

Cả Saigonbank và Eximbank đều có cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng giảm nhẹ.

Giảm gửi tiết kiệm

Hoạt động huy động vốn của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bị “soi” nhiều nhất trong quý 2/2018 vì trước đó ngân hàng này đã gây ra scandal chấn động. Đó là lãnh đạo một chi nhánh Eximbank làm giả giấy tờ để lấy cắp 245 tỷ đồng của khách hàng.

Ngoài tính chất nghiêm trọng, vụ việc này còn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận khi nạn nhân là bà Chu Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Có thời, bà Bình là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Và kết quả diễn ra đúng như dự đoán của dư luận. Trong quý 2/2018, khách hàng tiếp tục giảm gửi tiết kiệm tại Eximbank. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018, trong 6 tháng đầu năm, “Tiền gửi khách hàng” tại Eximbank chỉ đạt 114.223 tỷ đồng, giảm 3.317 tỷ đồng, tương ứng 2,8% so với thời điểm cuối năm 2017.

Điều đáng nói, huy động vốn của Eximbank giảm trong bối cảnh Eximbank vẫn duy trì chính sách lãi suất tiết kiệm rất hấp dẫn. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này lên đến 8,2%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng không “được lòng” người gửi tiết kiệm. Tại thời điểm 30/6/2018, chỉ tiêu “Tiền gửi của khách hàng” tại Saigonbank đạt 14.223 tỷ đồng, giảm 626 tỷ đồng, tương ứng 4,2% so với cuối năm 2017.

Khác với Eximbank, chỉ tiêu huy động vốn của Saigonbank giảm trong bối cảnh ngân hàng này không “chạy đua” lãi suất. Mức lãi suất cao nhất tại SaigonBank chỉ là 7,2%/năm.

ABBank nhận được tiền gửi tiết kiệm nhiều hơn nhưng khách hàng lại giảm vay tại ngân hàng này.

Giảm vay vốn

Eximbank và Saigonbank có chung “căn bệnh trọng” trong quý 2/2018. Bên cạnh huy động vốn suy giảm, cả hai ngân hàng này đang phải đối mặt với tín dụng tăng trưởng âm.

Tại thời điểm 30/6/2018, chỉ tiêu “Cho vay khách hàng” tại Eximbank dừng lại ở mức 100.807 tỷ đồng, giảm 517 tỷ đồng, tương ứng 0,5% so với cuối năm 2017. Trong đó, giảm mạnh nhất là nợ ngắn hạn.

Tuy nhiên, Eximbank khiến cổ đông lo ngại khi bất chấp tín dụng tăng trưởng âm, nợ xấu lại tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn. Nợ có khả năng mất vốn tại Eximbank tăng từ 1.061 tỷ đồng lên 1.249 tỷ đồng.

Khách hàng cũng giảm vay vốn tại Saigonbank. 6 tháng đầu năm, cho vay khách hàng tại ngân hàng này chỉ là 13.852 tỷ đồng, giảm 253 tỷ đồng, tương đương 1,8% so với cuối năm 2017.

Lãnh đạo Saigonbank giải thích do ngân hàng đang điều chỉnh lại đối tượng cho vay nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và tập trung vốn cho các chương trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội của thành phố nên chỉ tiêu cho vay khách hàng sụt giảm.

Bên cạnh đó ngân hàng cũng rà soát và đánh giá lại các khoản nợ hiện có, nhận diện các rủi ro và triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo chủ trương của Chính phủ.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) may mắn hơn một chút khi chỉ phải chứng kiến một chỉ tiêu sụt giảm. Đó là tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu “Cho vay khách hàng” tại đơn vị này giảm từ 47.902 tỷ đồng xuống 46.477 tỷ đồng.

Có thể thấy, Eximbank, Saigonbank đang đi ngược xu hướng tăng gửi tiết kiệm của người dân. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 6 tháng đầu năm nay, vốn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%.

Trong khi đó, cho vay khách hàng gặp khó khăn hơn. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ tăng 8,7%.

Các con số này cho thấy dù tăng trưởng tín dụng của cả ngành ngân hàng đang gặp khó nhưng vẫn sáng sủa hơn rất nhiều tăng trưởng tín dụng của riêng 3 đơn vị Eximbank, Saigonbank và ABBank.

Bảo Linh

 
Nên đọc