Kỳ vọng dòng vốn sẽ chảy lại vào bất động sản
Thị trường bất động sản thời gian vừa qua chịu nhiều tác động tiêu cực, trong đó chịu tác động mạnh nhất về nguồn vốn và pháp lý dự án. Kéo theo nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản như giao dịch chậm, thanh khoản kém nhưng giá lại liên tục gia tăng.
Nhận định về thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - bày tỏ, ông hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.
"Ở quý đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại", ông Hà nhận định.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kênh đầu tư này đang trầm lắng mà không "đóng băng". Ông đánh giá tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Chính bởi vậy, chỉ đầu năm 2023, thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa sau, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi.
Còn theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, thời điểm hiện tại, thị trường đang thanh lọc để minh bạch hơn. Trong thời gian tới, với động lực từ dòng vốn ngoại, các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng sôi động trở lại.
Chưa kể, năm 2023, một số chính sách mới liên quan khung giá đất, đánh thuế bất động sản, hồ sơ chào bán, pháp lý dự án... dự báo sẽ mang đến những tác động lớn với thị trường bất động sản. Trên thực tế, từ năm 2022 đã có nhiều Nghị quyết, Nghị định mới ban hành liên quan đến chính sách cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên với "độ trễ" thông thường, những chính sách này sẽ có nhiều tác động với thị trường kể từ năm 2023.
Vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể giải quyết
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VnDirect nhận thấy nhiều khó khăn bao trùm lên triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2023. Thứ nhất, khả năng huy động vốn của nhà phát triển bị hạn chế bởi tín dụng vào bất động sản và thị trường trái phiếu không thuận lợi. Thứ hai, lãi suất tăng sẽ cản trở quyết định mua nhà. Thứ ba, Luật Đất đai sửa đổi 2013 chưa rõ ràng có thể gây tâm lý thận trọng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Theo công ty chứng khoán này, thị trường bất động sản có thể sẽ trải qua một "mùa đông khắc nghiệt" vào năm 2023 cho đến khi chính sách tiền tệ đảo ngược.
Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong giai đoạn 2018-2021, khi dòng tiền rẻ, lãi suất duy trì ở mức thấp và nhu cầu đầu tư tăng mạnh trong những năm dịch Covid-19, hoạt động phát triển dự án tại khu vực vùng ven Hà Nội, TPHCM và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch ghi nhận sự bùng nổ. Tuy nhiên, xét về nhu cầu, các dự án này chưa thực sự tập trung vào phân khúc khách hàng có nhu cầu ở thực.
VDSC cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM sẽ ít bị ảnh hưởng nhất. Trong khi phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, đầu tư và đất nền rủi ro sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động bán hàng.
Còn trong ngắn hạn 2023-2024, các dự án tại khu vực vùng ven và các dự án du lịch nghỉ dưỡng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động bán hàng trước áp lực lãi suất tăng nhanh và các hạn chế cho vay từ phía các ngân hàng đối với phân khúc này.
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2023, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.
Cho rằng thị trường đang trong giai đoạn suy giảm và là bước cần có để phát triển lành mạnh hơn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã chỉ ra các giải pháp. Đó là sớm giải quyết các vấn đề về pháp lý; gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, bất động sản...