Nhà đầu tư phía Bắc “săn đất” tại phía Nam
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường phía Nam đang ghi nhận sự trỗi dậy rõ nét với hàng loạt dự án mới được triển khai, cũng như nhiều dự án đã và đang tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý để tái khởi động, mở bán trở lại.
Nhờ đó, nguồn cung phía Nam trở nên đa dạng hơn, nhiều dự án được chào bán với mức giá phù hợp với khả năng tài chính của nhiều đối tượng, đáp ứng được nhu cầu tích lũy bị nén trong thời gian dài. Sự hồi phục này đã thu hút không ít khách hàng, nhà đầu tư quan tâm, trong đó có một lượng đáng kể nhà đầu tư đến từ miền Bắc.
Theo chuyên gia của VARS, giá bất động sản ở các khu vực vùng ven TP. HCM (cũ) như Long An, Bình Dương, Đồng Nai không quá cao, còn dư địa tăng trưởng tốt, đồng thời được hưởng lợi từ hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn như cao tốc, sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài ra, việc các tập đoàn bất động sản lớn, uy tín đẩy mạnh phát triển dự án tại miền Nam cũng tạo tâm lý an tâm, trở thành “lực kéo” quan trọng thu hút dòng tiền dịch chuyển từ các thị trường phía Bắc.
Không dừng lại ở những thị trường bất động sản truyền thống, nhiều nhà đầu tư miền Bắc đã bắt đầu tìm kiếm các thị trường mới, có tiềm năng phát triển và biên độ tăng trưởng dài hạn, thay vì tập trung "lướt sóng" kỳ vọng tăng giá ngắn hạn.
Xu hướng ưu tiên các sản phẩm bất động sản đa mục đích, vừa phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vừa có thể khai thác cho thuê, sinh lời ổn định, nằm trong các khu tổ hợp đa tiện ích đang được quan tâm nhiều hơn”, chuyên gia VARS cho hay.
Tâm lý “lướt sóng” đã không còn?
Việc nhà đầu tư phía Bắc đồng loạt tìm kiếm cơ hội tại khu vực phía Nam đã phần nào cho thấy tâm lý “lướt sóng” ăn chênh lệch trong ngắn hạn của nhà đầu tư đang dần thay đổi. Thay vào đó, tâm lý đó đã dần nhường chỗ cho tư duy đầu tư dài hạn, bền vững và thận trọng hơn.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), từ năm 2023 đến giữa năm 2025, thị trường bất động sản phía Bắc đã ghi nhận mức sụt giảm giao dịch lên đến 60–70% ở một số tỉnh thành từng “nóng” trước đây. Đặc biệt là phân khúc đất nền – nơi từng là “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư ngắn hạn, nay lại trở thành rủi ro cao do thanh khoản giảm, giá neo cao nhưng không có lực mua.
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Thị trường hiện không còn phù hợp với các nhà đầu tư lướt sóng. Môi trường lãi suất, siết tín dụng, pháp lý chậm… khiến việc ‘mua hôm nay, bán sang tuần’ trở thành điều bất khả thi. Nhà đầu tư muốn tồn tại buộc phải thay đổi chiến lược.”
Thực tế, những người lướt sóng bằng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn đỉnh sốt năm 2021–2022 hiện nay vẫn đang “mắc cạn”, khó thanh khoản hoặc phải bán cắt lỗ. Điều này khiến giới đầu tư mới vào thị trường thời điểm 2025 không còn kỳ vọng lãi nhanh, mà tập trung hơn vào tính pháp lý, khả năng cho thuê, vị trí và tiềm năng phát triển dài hạn.
Theo các sàn giao dịch lớn tại Hà Nội, thời điểm hiện tại, lượng khách quan tâm đến bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực hoặc đầu tư trung dài hạn đang chiếm tỷ trọng lớn. Các sản phẩm như căn hộ đã có sổ, đất nền quy hoạch rõ ràng, nhà phố có thể khai thác thương mại… được ưu tiên lựa chọn thay vì các dự án mới, pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, chia sẻ: “Giai đoạn ‘đánh quả nhanh’ đã qua, hiện nay thị trường đi vào giai đoạn tái cấu trúc và thanh lọc mạnh. Nhà đầu tư phía Bắc đang thực dụng và kỷ luật hơn rất nhiều, họ không còn kỳ vọng lợi nhuận 30–50% trong vài tháng như trước mà chấp nhận lợi nhuận ổn định theo năm.”
Cùng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao của Savills Hà Nội, cho rằng tâm lý nhà đầu tư đang dần trưởng thành sau nhiều cú sốc thị trường: “Họ bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về pháp lý, hạ tầng, năng lực chủ đầu tư và bám sát chính sách vĩ mô. Lướt sóng giờ đây không còn là lựa chọn khả thi, thậm chí là rủi ro.”