Nguồn cung văn phòng Hà Nội có xu hướng dịch chuyển về phía Tây

Với việc trụ sở các cơ quan Nhà nước sẽ chuyển về khu vực phía Tây như Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, nguồn cung văn phòng ở khu vực này sẽ tiếp tục tăng và có xu hướng cạnh tranh hơn.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo thị trường quý II/2024 của Savills, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội đạt 2,13 triệu m2, duy trì ổn định theo quý và theo năm. Văn phòng hạng B chiếm thị phần lớn nhất, chiếm 48% thị trường, tương đương khoảng 1,03 triệu m2.

Phân theo khu vực, phía Tây chiếm thị phần cung lớn nhất với 41%, tương đương 871.836m2 từ 77 dự án. Khu vực nội thành có nguồn cung lớn thứ hai với 39%, tương đương 836.157m2 từ 73 dự án. Khu vực Hoàn Kiếm - trung tâm thành phố có nguồn cung khan hiếm nhất.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nguồn cung văn phòng thay đổi đáng kể giữa các hạng khác nhau. Nguồn cung văn phòng hạng A tăng 6%, hạng B tăng 5% và hạng C chỉ tăng 1% theo năm.

Với nguồn cung văn phòng hạn chế tại khu vực trung tâm, xu hướng di dời là điều không thể tránh khỏi. Các yếu tố góp phần bao gồm giá thuê cạnh tranh và sự tiến bộ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thêm cho sự thay đổi này.

Theo bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, tình trạng thiếu hụt văn phòng tại khu vực Hoàn Kiếm đẩy giá thuê lên cao. Trong khi đó, khu vực gần trung tâm và phía Tây vẫn có mức giá thuê cạnh tranh, khuyến khích dịch chuyển.

Báo cáo của Savills cũng cho thấy, giá thuê gộp đạt 534.000 đồng/m²/tháng, tăng 1% theo quý và ổn định theo năm. Giá thuê hạng A đạt 876.000 đồng/m²/tháng, tăng 2% theo quý và theo năm.

Giá thuê hạng B đạt 452.000 đồng/m²/tháng, tăng 1% theo quý nhưng giảm 3% theo năm. Giá thuê hạng C tăng 1% theo quý nhưng giảm 1% theo năm, đạt 322.000 đồng/m²/tháng. Hạng A chứng kiến lượng cho thuê mới lớn nhất, với 6.955m2 trong quý II/2024. Hạng C theo sau với 4.375m2, trong khi hạng B giảm 1.694m2.

Phó Giám đốc cho thuê thương mại của Savills Hà Nội cho rằng, đến năm 2035, 36 Bộ, ngành sẽ di dời trụ sở về phía Tây Hà Nội, bao gồm Tây Hồ Tây ở Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Mễ Trì ở Nam Từ Liêm. Việc di dời quy mô lớn này dự kiến sẽ chuyển hướng lực lượng lao động và giao thông đến các khu vực này, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ công và xu hướng di dời.

Vì thế, nguồn cung tương lai tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây là rất lớn. Có thể cạnh tranh với các quận trong khu trung tâm, gần trung tâm và phía Tây, gây áp lực lên giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trong tương lai, đặc biệt là đối với hạng A.

Nhu cầu thuê văn phòng trong nửa đầu năm 2024 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất kinh doanh bị suy giảm cũng ảnh hưởng tới nhu cầu về mở rộng văn phòng và nhu cầu thuê văn phòng.

Đối với mặt bằng thương mại, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2023.

diện tích hấp thụ của hai phân hạng nửa đầu năm tại Hà Nội, tổng cộng đạt gần 30.000 m2, cao hơn 50% tổng diện tích hấp thụ của cả năm 2023 cho thấy tín hiệu tích cực về nhu cầu cho thuê trên thị trường.

Về mục đích thuê, mục đích di dời văn phòng là chiếm 86% trên tổng diện tích giao dịch lớn ghi nhận bởi CBRE trên thị trường Hà Nội. Phần lớn các giao dịch này nhằm di chuyển đến tòa văn phòng mới, chất lượng hơn kèm theo các ưu đãi và điều khoản thuê có lợi hơn đối với khách thuê.

Tiếp theo là mục đích mở rộng chiếm 9% và thuê mới với 5% trên tổng diện tích giao dịch lớn. Về ngành nghề, các ngành nghề chủ chốt vẫn là các ngành Tài chính/ Ngân hàng /Bảo hiểm, chiếm 46% và ngành Công nghệ thông tin, chiếm 14% trên tổng giao dịch lớn ghi nhận bởi CBRE.

Sau một năm 2023 với nguồn cung mới tương đối dồi dào, thị trường văn phòng bắt đầu cảm nhận sức nóng từ sự cạnh tranh của những nguồn cung chất lượng. Dự kiến trong nửa sau năm 2024, nguồn cung văn phòng mới sẽ tiếp tục gia tăng, điều này tạo thuận lợi cho khách thuê.

TIN LIÊN QUAN