Người tiêu dùng bị doanh nghiệp “qua mặt” nhiều nhất ở chất lượng hàng hóa

(NTD) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” vừa được Quỹ chống hàng giả (ACF) phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức tại TP.HCM.

Trong một nghiên cứu mới đây về vi phạm của thương nhân trong giao dịch tiêu dùng thì vi phạm về chất lượng hàng hóa chiếm đến 25%. Doanh nghiệp còn “qua mặt” người tiêu dùng về đo lường (16%), gian lận về xuất xứ (12%), gian lận về hạn sử dụng (10%), hóa đơn chứng từ (8%)…

 Ông Hoàng Tùng Bách, Phòng Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết, trong vấn đề cung cấp thông tin hàng hóa cho người tiêu dùng, đa phần doanh nghiệp đều có dấu hiệu vi phạm

Bà Châu Thị Lệ, Sở Công thương tỉnh Long An đánh giá, khi nhận được khiếu nại từ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lý kịp thời và thỏa đáng, thậm chí thoái thác trách nhiệm. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng quyền được khiếu nại, chấp nhận thiệt thòi. Do đó, bà Lệ khuyến cáo, doanh nghiệp nên hoàn thiện chính sách bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện đúng cam kết đó. Người tiêu dùng cũng phải nâng cao hiểu biết về các quyền của mình để sử dụng hiệu quả, trước khi nhờ đến cơ quan chức năng bảo vệ.

Trong quá trình kiểm tra thực tế, ông Hoàng Tùng Bách, Phòng Bảo vệ Người tiêu dùng (thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công thương) cho biết, lỗi lớn nhất doanh nghiệp hay mắc phải là thu thập thông tin khách hàng nhưng không công bố. Ngoài ra, trong vấn đề cung cấp thông tin hàng hóa cho người tiêu dùng, đa phần doanh nghiệp đều có dấu hiệu vi phạm. Ông Bách dẫn chứng, nhãn hàng hóa bắt buộc ghi tên sản phẩm và giá có cỡ chữ to nhất, tuy nhiên thực tế nhiều doanh nghiệp thực hiện không đúng khi ghi bằng kích thước với các thông tin khác. Đặc biệt, nhãn phụ thường xuyên ghi thiếu thông tin nhà sản xuất.

 
  Nhiều doanh nghiệp đưa ra các điều khoản phớt lờ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng theo mẫu

Theo ông Bách, nhiều lỗi của doanh nghiệp có khi là nhỏ nhặt không đáng có, nhưng nếu không giải quyết hợp lý với người tiêu dùng, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Trường hợp vi phạm về nhãn hàng hóa của Khải Silk năm 2017 dẫn đến việc bị phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa. Ông Bách cho rằng doanh nghiệp nên xem đây là trường hợp tham khảo và nhắc nhờ mình để tránh những tổn thất không mong muốn.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cũng lưu ý rằng, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cố tình lẫn tránh trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn các điều kiện giao dịch chung (như các điều kiện về bảo hành đổi trả, khuyến mãi) thường không được phổ biến cụ thể hoặc để ở nơi khách hàng khó thấy nhất.

 Một số nội dung không có hiệu lực trong hợp đồng theo mẫu

Về hợp đồng theo mẫu, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng sẽ xem xét và chấp nhận những mẫu hợp đồng theo hướng bảo vệ người tiêu dùng. Trên website của cơ quan này có đầy đủ các loại hợp đồng theo mẫu đang được chấp nhận. Thực tế, nhiều ngành nghề cố tình đưa ra hợp đồng với nhiều điều khoản không có hiệu lực hoặc lờ đi quyền quyết định của người tiêu dùng.

 Dương Nguyễn

Nên đọc