Thị trường TPDN trong quý III ảm đạm
Mới đây, FiinRatings có báo cáo về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý III/2022. Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý với giá trị phát hành trong tháng 9 đạt 16,1 nghìn tỷ VNĐ, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ.
Theo FiinRatings, thị trường trái phiếu 9 tháng qua ghi nhận giá trị phát hành đạt 246,32 nghìn tỷ VNĐ, tương đương 35,87% giá trị năm 2021, trong đó 58% giá trị đến từ tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành bất động sản. Về loại hình phát hành, tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây và là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp.
Trong đó, hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng 22 đợt phát hành, đạt quy mô là 10,2 nghìn tỷ VNĐ, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% thị trường. Số liệu tháng 9 cho thấy hoạt động của tổ chức phát hành có sự sụt giảm rõ rệt so với tháng trước, trong đó lô trái phiếu có giá trị lớn nhất là 3.000 tỷ VNĐ thuộc về Vietinbank.
FiinRatings cũng ghi nhận, ngành bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát hành, chiếm 18% tỉ trọng, tương đương tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt 2,8 nghìn tỷ VNĐ, tăng 55,6% so với tháng trước.
Các đơn vị phát hành bao gồm công ty TNHH NoVa Thảo Điền với lô trái phiếu 2,3 nghìn tỷ VNĐ và CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim với trái phiếu trị giá 500 tỷ VNĐ. Đây là dấu hiệu cho thấy một số doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu thẩm thấu chính sách mới.
Song, theo FiinRatings, tuy giá trị phát hành ghi nhận tăng trưởng so với tháng trước, nhưng hoạt động phát hành của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Đánh giá chung, FiinRatings tiếp tục duy trì nhận định thị trường sơ cấp phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ tăng mạnh trở lại vào năm sau khi đáp ứng đủ các điều kiện của Nghị định 65 và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau các sự kiện thiếu tích cực từ thị trường. Trước mắt, việc quan trọng là ổn định tâm lý cho thị trường và đẩy mạnh phát hành minh bạch.
Nếu xảy ra vỡ nợ trái phiếu thì nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu nên làm gì?
Vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã cho nhà đầu tư thấy khác biệt rõ rệt của đầu tư trái phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng. Với SCB, ngay sau khi tin đồn lan truyền, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ, rằng quyền lợi người gửi tiền được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. SCB đã ổn định tình hình trở lại trong vòng một tuần.
Trong khi đó, với trái phiếu An Đông (thuộc Vạn Thịnh Phát) cũng như Tân Hoàng Minh trước đó, việc giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư không thể một sớm một chiều. Với các hình thức mang tiền cho doanh nghiệp vay bằng hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn, rủi ro càng cao hơn nhiều.
Theo nhận định của một vị Luật sư, hình thức ủy thác đầu tư, cho doanh nghiệp vay vốn không vi phạm pháp luật, nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Hình thức đầu tư này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, song nhà đầu tư cũng phải xác định bị mất trắng nếu doanh nghiệp phá sản.
Ngay cả với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings, thời gian tới có thể sẽ có thêm một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
Chuyên gia cho rằng, nếu xảy ra vỡ nợ trái phiếu thì nhà đầu tư trước tiên cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không.
Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp.
Tài sản đảm bảo cũng là một "cứu cánh", nhưng thực tế khi đã xảy ra tình huống vỡ nợ thì tài sản đảm bảo không còn nhiều giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng.
Cách mà ở thị trường Trung Quốc đã áp dụng khá nhiều đó là “hàng đổi hàng” - trái chủ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dich vụ của họ.
Ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện theo cách này. Theo đó, thay vì mua lại trái phiếu đã phát hành, doanh nghiệp cho phép trái chủ chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự.
Nếu giá trị lô đất cao hơn số dư đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó. Tuy nhiên, yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới mà nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn.
Thực tế trên thị trường cũng có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nên vì lý do "trào lưu" và lo sợ vì yếu tố tâm lý mà NĐT xếp hàng thực hiện "bond-run" thì dù có doanh nghiệp có rất khoẻ và trái phiếu tốt thì tự dưng có thể cũng thành "xấu", hoặc vỡ nợ vì bị trái chủ rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém đi hoặc dòng tiền yếu.
Và khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ toàn bộ hoặc phá sản thì NĐT trái phiếu sẽ không có thứ tự ưu tiên thanh toán cao. Sau khi trả thuế, trả nợ lương, trả nợ ngân hàng, trả nợ ưu tiên khác... thì đến lượt trái chủ có lẽ cũng chỉ còn cái "cọng rơm".
Thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của hoạt động phát hành TPDN thời gian tới
Số liệu từ FiinRatings cho thấy dư nợ trái phiếu tính đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ VNĐ, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021. Nếu trừ đi 400.000 tỷ trái phiếu ngân hàng thì dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng giảm còn 908,8 nghìn tỷ VNĐ.
Trong đó, có 455.000 tỷ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Dư nợ tín dụng bất động sản lớn nhưng chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân, chất lượng tín dụng của ngành bất động sản có sự phân hóa cao, và rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ.
Nhìn sang Trung Quốc, dư nợ trái phiếu nước này chiếm đến 44% GDP nhưng tỷ lệ vỡ nợ chỉ chiếm 1,35%, cho thấy rủi ro vỡ nợ tại thị trường Việt Nam có tồn tại nhưng rất thấp. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn xử lý được sau hai năm bất ổn nhờ sự điều tiết của cơ quan quản lý với nhiều chính sách linh hoạt khác nhau.
FiinRatings ghi nhận, các ngân hàng hiện nay đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng với quy mô vào khoảng 284.000 tỷ VNĐ, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022.
Tuy nhiên, FiinRatings nhận định, đây không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng ngân hàng bởi quy mô nhỏ và chất lượng trái phiếu vừa có tính phân hóa vừa được các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng. Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ.
Bên cạnh đó, FiinRatings khuyến cáo các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ trái phiếu đang nắm giữ, nhất là khi chưa hiểu rõ tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.
FiinRatings cũng cho rằng, việc cải thiện minh bạch thông tin và triển khai các quy định mới của Nghị định 65 cùng với việc đánh giá cụ thể chất lượng tín dụng và rủi ro đáo hạn trong giai đoạn tới của danh mục 908,8 nghìn tỷ VNĐ trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành, trong đó có 455 ngàn tỷ trái phiếu bất động sản sẽ là giải pháp giải pháp quan trọng để khôi phục niềm tin của thị trường, nhất là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Các chuyên gia tin tưởng rằng thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của hoạt động phát hành cũng như gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia kênh vốn này. Về dài hạn, kênh trái phiếu xanh sẽ là giải pháp quan trọng về vốn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Các chính sách mới hiện đang trong quá trình thiết kế và xây dựng sẽ tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn vốn hướng đến tiêu chí xanh trong các năm tới đây.