Nâng cao năng suất sản phẩm nhờ sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018

(CL&CS) - Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2018 không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao năng suất sản xuất sản phẩm. Mặc dù mới thành lập vào cuối năm 2023 nhưng đến tháng 5/2024, Công ty TNHH Coobee Việt Nam đã xuất bán lô hàng đầu tiên được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Hiện sản phẩm mật ong của Công ty đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị ở Gia Lai, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Xác định khoa học-công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Đàm Quang Huy-Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực KH-CN với các đối tác lớn và tiếp cận thị trường theo hướng tạo ra các sản phẩm mật ong hoa cà phê theo nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp.

Chú trọng đầu tư vào khoa học - công nghệ theo hướng chuyên nghiệp đối với sản phẩm mật ong hoa cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt

Để sản phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài, ông Huy đã xử lý mật ong qua các công đoạn với máy hạ thủy phần, phá kết tinh, khử nấm, diệt nấm bằng dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

“Ngoài chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) bảo hộ thương hiệu. Đây chính là điều kiện để Công ty khai thác lợi thế địa phương, đưa đặc sản vùng miền kết hợp với KH-CN nhằm phát triển nhãn hàng Mật ong hoa cà phê Gia Lai”- Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam cho biết.

Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm theo nhu cầu sử dụng của khách hàng, Công ty TNHH Coobee Việt Nam đã chia mật ong thành 3 loại: mật ong pha chế, mật ong gia vị và mật ong sức khỏe. Mặc dù mới thành lập vào cuối năm 2023 nhưng đến tháng 5-2024, Công ty đã xuất bán lô hàng đầu tiên được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Hiện sản phẩm mật ong của Công ty đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị ở Gia Lai, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Huy cho biết, Công ty đặc biệt chú trọng đổi mới sáng tạo trong các hoạt động như: kết hợp hình thức giữa phân phối online và phân phối kênh truyền thống; tập trung vào con người, chuyên sâu từng bộ phận riêng như kinh doanh và sản xuất; đầu tư chuyên nghiệp vào hình ảnh sản phẩm trên bao bì.

Cùng với đó, Công ty tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật. Chính việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN đã giúp thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai được khẳng định trên thị trường.

“Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải ứng dụng KH-CN, đặc biệt là những công nghệ cao. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tích lũy nguồn lực về vốn, con người… Đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế trong định hướng phát triển gắn với thị trường, tạo không gian rộng mở phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”- Ông Huy nhấn mạnh.

Chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản địa phương, Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) do ông Nguyễn Văn Thiêm làm Giám đốc đã trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trên địa bàn. Khởi nghiệp từ chế biến hạt điều rang củi, ông Thiêm đã nỗ lực đưa sản phẩm nhanh chóng vươn ra thị trường.

Ông cho biết: “Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã số, mã vạch và tiêu chuẩn cơ sở, sản phẩm hạt điều rang củi của Công ty đã có thương hiệu trên thị trường, xây dựng uy tín thương mại cũng như quảng bá nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa. Chúng tôi đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội”.

Trong xu thế phát triển của công nghệ, các chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như ông Thiêm đã có nhiều cách làm hay để quảng bá sản phẩm, kết nối với khách hàng. Theo ông Thiêm, có 2 lý do thôi thúc anh xây dựng thương hiệu hạt điều rang củi. Thứ nhất, hạt điều ở vùng đất Ia Grai có sự khác biệt so với các nơi khác. Thứ hai, hiện nay, hầu hết các thương hiệu hạt điều có mặt trên thị trường đều sử dụng phương pháp rang bằng điện khiến hạt mất đi màu và hương vị đặc trưng, trong khi rang củi thì hạt điều luôn giữ được hương vị truyền thống.

Các khâu từ lựa chọn hạt tươi đến chế biến và đóng gói bao bì đều được Công ty kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Lợi thế của tôi là xây dựng thương hiệu ngay trên vùng nguyên liệu của địa phương mình. Để có sản phẩm tốt nhất, tôi không ngần ngại tìm mua loại hạt điều chất lượng cao. Chỉ sau gần 5 năm, sản phẩm hạt điều rang củi của tôi đã có mặt tại thị trường 15 tỉnh, thành phố trong cả nước”-ông Thiêm chia sẻ.

Từ thành công của sản phẩm hạt điều rang củi, ông Thiêm bắt đầu mở rộng sang các sản phẩm như cà phê sạch, măng khô… Hiện nay, các sản phẩm này của anh đang được tiến hành làm thủ tục để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Việc sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn cho năng suất cao mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng. Tăng cường hiệu quả sản xuất: Áp dụng tiêu chuẩn giúp tối ưu hóa quy trình, từ đó giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu suất; Đảm bảo chất lượng: Khi sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng sẽ đồng đều và ổn định, đáp ứng được mong đợi của khách hàng; Giảm chi phí: Năng suất cao đồng nghĩa với việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận;

Nâng cao khả năng cạnh tranh: Doanh nghiệp có năng suất cao có thể cung cấp sản phẩm với giá cạnh tranh hơn, thu hút khách hàng và mở rộng thị trường; Khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường: Sản xuất hiệu quả giúp doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, giảm thiểu tình trạng tồn kho; Tạo ra môi trường làm việc tốt hơn: Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thường đi kèm với sự cải tiến môi trường làm việc, giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn và an toàn hơn; Phát triển bền vững: Tăng năng suất không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN