Cà Mau là tỉnh duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển, có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản. Địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước với gần 280.000 ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ giữ vững, tổng sản lượng đạt 280.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng được các ngành chức năng, các địa phương và nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển. Việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua cho thấy đây là mô hình phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Rừng giúp khôi phục và cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng, cung cấp thức ăn tự nhiên và tạo bóng râm để tôm trú ngụ. Người nuôi không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi và sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên, giúp tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Từ đó, giảm chất thải phát sinh, giúp môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hạn chế tỷ lệ rủi ro và giảm được chi phí đầu vào cho người nuôi. Sự kết hợp giữa tôm và rừng vừa tạo điều kiện nuôi thuận lợi, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân, giữ được trạng thái cân bằng của môi trường tự nhiên.
Xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích nuôi tôm rừng lớn nhất tỉnh Cà Mau đạt tiêu chuẩn quốc tế. Toàn xã có 1.168 hộ, với 5.868ha nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP… về tôm sạch.
Thời gian qua, địa phương này luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sạch trong nuôi tôm dưới tán rừng. Ý thức chấp hành của người dân rất tốt, không có tình trạng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.
Ông Bùi Văn Sỉ, 65 tuổi ở xã Viên An Đông, gần 40 năm gắn bó dưới tán rừng ngập mặn, cho biết có gần 10 năm nuôi tôm thân thiện với môi trường. Vuông tôm gần 7 ha dưới tán rừng đước đang được doanh nghiệp hỗ trợ 500.000 đồng mỗi ha để đầu tư con giống và canh tác tôm sinh thái theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tôm nguyên liệu sẽ được công ty bao tiêu.
Nhờ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, ông ươm tôm giống để nuôi trước khi thả ra tự nhiên. Dù mất nhiều công chăm sóc, nhưng đây là cách để tôm tăng tỷ lệ sống, mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình. Ông Sỉ có lợi nhuận gần 500 triệu đồng mỗi năm, cao hơn cách truyền thống khoảng 30%.
Mô hình nuôi tôm sinh thái được hình thành và phát triển ở tỉnh cực Nam tổ quốc từ trước năm 2000. Khi chất lượng tôm sinh thái của tỉnh được thị trường đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm theo chứng nhận sinh thái, hữu cơ quốc tế, phổ biến nhất là hình thức nuôi tôm dưới tán rừng.
Hiện, Cà Mau có gần 40.000 ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000 ha. Trong đó có khoảng 20.000 ha diện tích tôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết nuôi thủy sản dưới tán rừng là hình thức canh tác gắn với bảo vệ rừng với nhiều loài nuôi như tôm, cá, cua, sò huyết, ốc len,... Ngày nay, mô hình này còn được xem như biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhận giao khoán.
Đối với việc phát triển con tôm nói chung, tôm - rừng kết hợp nói riêng, theo ông Phan Hoàng Vũ, tới đây, địa phương sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng…
Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc nâng cao giá trị của mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua có tác động tích cực tới nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Thông qua mô hình, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm và kết hợp nuôi các loài thuỷ sản khác để nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ rừng, giúp duy trì độ che phủ rừng, chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ngành nông nghiệp Cà Mau, những năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản đã phối hợp với các ban quản lý bảo vệ rừng, các địa phương, đơn vị và người dân triển khai thực hiện các dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế, được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.