Trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động chính thức theo cơ chế phân cấp từ ngày 01/7/2025, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) đã tổ chức chuỗi 03 khóa tập huấn hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ quản lý nhà nước về Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TCĐLCL) tại ba miền Bắc – Trung – Nam.
Nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng(TCĐLCL) tại các địa phương, chuỗi tập huấn do Ủy ban tổ chức đã đặt mục tiêu trọng tâm là trang bị kiến thức và nghiệp vụ về trình tự tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL. Các nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định số 132/2025/NĐ-CP và Nghị định số 133/2025/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 12/6/2025 về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã trực tiếp chủ trì xây dựng và chỉ đạo triển khai chương trình tập huấn. Sự chủ động này xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho chính quyền địa phương, đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ khi thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về TCĐLCL. Đồng thời, các khóa tập huấn cũng hướng tới mục tiêu tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và các đơn vị chuyên môn của Ủy ban.
Mỗi khóa tập huấn diễn ra trong 02 ngày, tập trung vào các chuyên đề cốt lõi, được thiết kế khoa học và bám sát yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý TCĐLCL theo cơ chế phân cấp, cụ thể: Tổng quan về Nghị định số 132/2025/NĐ-CP và 133/2025/NĐ-CP: Các báo cáo viên đã làm rõ việc phân cấp lĩnh vực TCĐLCL thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ; chi tiết hóa thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các nội dung về phân định thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cùng với hình thức và phương thức kiểm tra cũng được trình bày cụ thể.
Trình tự tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp: Tập trung vào trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký và quy trình xem xét, đánh giá sự phù hợp của hồ sơ đăng ký hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hệ thống quản lý. Các báo cáo viên đã hướng dẫn chi tiết về hồ sơ pháp nhân, chứng chỉ, tài liệu liên quan đến chuyên gia (thử nghiệm viên/kiểm định viên/giám định viên), danh mục máy móc, thiết bị, dụng cụ thử nghiệm/đo lường, tài liệu chứng minh năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC 17025, TCVN ISO 9001, TCVN ISO/IEC 17021, cùng với mẫu giấy chứng nhận.
Trình tự tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường: Hướng dẫn sâu về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký và đánh giá sự phù hợp của hồ sơ đăng ký. Đặc biệt, khóa học đã đi sâu vào việc xem xét, đánh giá mẫu 01 bộ hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định/hiệu chuẩn/thử nghiệm phương tiện đo, giúp học viên có cái nhìn thực tế.
Các phiên thảo luận trực tiếp với sự tham gia của đại diện các Ban chuyên môn của Ủy ban (Ban Đo lường, Ban Quản lý chất lượng & Đánh giá sự phù hợp, Ban Pháp chế – Thanh tra) đã tạo điều kiện để học viên giải đáp mọi vướng mắc và cùng nhau thảo luận phương án triển khai hiệu quả tại địa phương từ ngày 01/7/2025.
Các chuyên đề đều được trình bày trực tiếp bởi các báo cáo viên là những chuyên gia hàng đầu từ Ủy ban TCĐLCL Quốc gia, đảm bảo tính chuyên môn cao, cập nhật kịp thời và cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
Để tối đa hóa cơ hội tiếp cận cho công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL từ khắp các tỉnh, thành phố, chương trình tập huấn đã được tổ chức tại ba địa điểm trọng điểm.
Hoạt động này không chỉ giúp các công chức tại địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động chính thức từ ngày 01/7/2025 mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TCĐLCL nói chung, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam.