Giải thưởng Kiến trúc quốc gia ngày càng đến gần hơn với giới nghề và công chúng
GTKTQG do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đồng tổ chức từ năm 1994 theo định kỳ 2 năm một lần nhằm tôn vinh các tác giả – tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc. Năm 2022 sẽ ghi dấu kỳ GTKTQG lần thứ 15.
Qua 14 kỳ Giải thưởng, Hội đồng GTKTQG đã nhận được 2124 tác phẩm tham dự, đã trao 01 Giải thưởng Lớn, 21 Giải Nhất/Giải Vàng, 102 Giải Nhì/Giải Bạc, 213 Giải Ba/Giải Đồng, 194 Giải Khuyến khích/Giải Chuyên đề, Thể loại và Giải thưởng Hội đồng cho các tập thể và cá nhân tác giả – tác phẩm đoạt giải.
Bên cạnh đó, Hội đồng GTKTQG cũng đã trao 18 Bằng khen KTS Trẻ tiêu biểu, 10 Bằng khen cho các Đơn vị/Tập thể và cá nhân tích cực tham dự Giải, 01 Giải Tác phẩm được cộng đồng yêu thích và 14 Chứng nhận danh hiệu “Nhà Đầu tư Thông minh” cho các Chủ đầu tư công trình đạt giải cao, có tầm nhìn mang tính đột phá cũng như quan tâm sâu sắc đến lợi ích chung của xã hội, cộng đồng…
Số lượng tác phẩm tham gia có tăng, giảm từng kỳ do tình hình kinh tế xã hội, nhưng 2 kỳ gần đây đều tăng trên 30% so với kỳ giải thưởng trước đó.
Hội KTS Việt Nam đã nhiều lần tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, các kiến trúc sư và các Hội cơ sở tại một số kỳ hội nghị Ban chấp hành… tiếp thu các ý kiến đóng góp để đổi mới Giải thưởng. Thông qua đó, GTKTQG đã có nhiều cải cách, đổi mới, Giải thưởng đến gần hơn với giới nghề và công chúng, hướng đến chuẩn mực quốc tế.
Trải qua 28 năm với 14 kỳ được tổ chức, GTKTQG đã tạo cơ hội đạt giải cho nhiều đối tượng kiến trúc sư các thế hệ, từ nghiên cứu lý luận phê bình cho đến các lĩnh vực hành nghề kiến trúc (quy hoạch – thiết kế đô thị, kiến trúc công trình, nội thất, cảnh quan,…), kể cả KTS nước ngoài; đồng thời tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của kiến trúc, về bản chất văn hóa và tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống.
Để nâng cao chất lượng và tính lan tỏa của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia
Tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và tính lan tỏa của GTKTQG, Tọa đàm “Giải thưởng Kiến trúc quốc gia – 28 năm nhìn lại” đặt ra một số vấn đề cần khắc phục, cải tiến liên quan đến: nội dung, cơ cấu giải thưởng; tiêu chí xét giải; công tác vận động tham gia và tổ chức, chấm giải. Tọa đàm có sự tham gia của Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam, ủy viên Hội đồng GTKTQG các kỳ, các chuyên gia và một số KTS tham dự Giải…
Tọa đàm đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn xoay quanh những vấn đề cụ thể trong công tác tổ chức Giải: Cơ cấu Giải thưởng đã phủ hết các lĩnh vực hành nghề? Có nên tiếp tục bảo hộ kiến trúc trong nước bằng việc tách riêng thể loại dành cho KTS nước ngoài? Thành phần, cơ cấu Hội đồng GTKTQG như thế nào là phù hợp? Để xã hội hóa Giải thưởng, nên có loại giải nào để cổ vũ, động viên đối với các tổ chức/cá nhân ngoài giới KTS có thành tựu tuyên truyền, phổ biến và đầu tư, trợ giúp hoạt động kiến trúc nhằm khuyến khích phát triển nền kiến trúc Việt Nam? Có nên xem xét, cân nhắc, làm rõ hơn một số tiêu chí cụ thể theo từng kỳ cho từng thể loại tác phẩm để nâng cao chất lượng giải thưởng các chuyên ngành?…
GTKTQG hiện mới tập trung chủ yếu ở sự tự nguyện của cá nhân các KTS, thiếu các tác phẩm có quy mô lớn, chưa đại diện tiêu biểu cho thực trạng phát triển kiến trúc sôi động, chưa thu hút được các tác phẩm lớn, đóng vai trò định hướng kiến trúc khu vực và phát triển xã hội, chưa làm cho nhà đầu tư thấy cần thiết tham gia. Phương thức tổ chức, vận động tham gia Giải thưởng chưa đạt hiệu quả cao, chưa khuyến khích được đông đảo KTS các vùng miền tham dự.
Tại tọa đàm lần này, các kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, uy tín trong giới làm nghề tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng Giải thưởng.
KTS. Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, GTKTQG là một trong những giải thưởng Nhà nước cấp quốc gia có sự tham gia tổ chức của 2 Bộ. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp tốt hơn giữa Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong đó cần làm rõ vai trò thường trực, chủ trì của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Cũng khẳng định GTKTQG là giải thưởng danh giá hàng đầu, KTS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, nên “cô đọng” trong việc chấm chọn, trao giải để những tác phẩm đạt giải thực sự là những “tinh hoa”.
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng chỉ nên “cô đọng” đối với các giải thưởng cao như giải thưởng Lớn, giải Vàng, giải Bạc, song mở rộng hơn với các giải Chuyên đề, giải Hội đồng… nhằm ghi nhận từng mặt, từng khía cạnh nổi trội mà tác phẩm đạt được.
Đây cũng là một cách để động viên, khuyến khích kiến trúc sư tham gia dự giải, tạo cảm hứng cho các kiến trúc sư theo đuổi nghề nghiệp say sưa hơn, hình thành không khí làm nghề sôi nổi hơn. Tránh tình trạng, GTKTQG khó đạt quá, kiến trúc sư nản trí.
Các ý kiến đều ủng hộ việc chia các hạng mục trong từng thể loại tác phẩm kiến trúc công trình, đồ án quy hoạch, tác phẩm kiến trúc nội, ngoại thật, ấn phẩm kiến trúc… Ở mỗi hạng mục, ngay ở vòng chấm loại, phải có các tiểu ban kỹ thuật chuyên ngành chấm chọn, bảo đảm không để lọt các tác phẩm có chất lượng tốt không vào được vòng trong. Mỗi mùa chấm giải nên xác định chủ đề trọng tâm mà Hội đồng Giải thưởng muốn hướng đến. Đặc biệt, cần đánh giá đúng mức hơn đối với các tác phẩm quy hoạch trong cơ cấu Giải thưởng…
Một số ý kiến thì đặt vấn đề nên chăng đối với các tác phẩm vào vòng trong, nên dành thời gian cho tác giả, nhóm trình bày ý tưởng, để Hội đồng giải thưởng hiểu rõ bối cảnh, sự sáng tạo của kiến trúc sư. Các kiến trúc sư đạt giải được miễn điều kiện phát triển nghề nghiệp liên tục khi gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Các ý kiến cũng cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông liên quan đến Giải thưởng, các tác phẩm đạt giải nhằm tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội, giúp mọi người hiểu rõ về vài trò, chức năng của kiến trúc, về bản chất văn hóa, tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống...