Theo đó, Công văn nêu rõ: thời gian qua việc thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng đã từng bước đi vào nền nếp, công tác về thi đua, khen thưởng đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và luôn gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện công tác về thi đua, khen thưởng, Nhà nước đã xây dựng thể chế và ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan chức năng đã chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua chậm được đổi mới, tiêu chí đánh giá thi đua chưa rõ, có nơi còn áp đặt mang tính hình thức trong việc đề ra các nội dung thi đua, chạy theo thành tích, chưa tạo được động lực, nên phong trào thi đua tác dụng lan tỏa chưa cao. Vẫn còn tình trạng công tác khen thưởng chưa gắn với kết quả phong trào thi đua. Tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, khen thưởng chưa kịp thời, chính xác, chưa bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, vẫn còn tình trạng khen thưởng tập trung cho lãnh đạo, chưa quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời đối tượng là người lao động sản xuất trực tiếp và nhân viên cấp dưới…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên với chức năng, nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ban, ngành, các đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các Bộ, ngành, tỉnh) chấn chỉnh công tác thi đua, khen thưởng và tập trung trọng tâm vào các mặt công tác sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác thi đua, khen thưởng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Khắc phục tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, chậm nắm bắt thực tiễn để phát động phong trào thi đua, chưa quan tâm đúng mức đến bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Hai là, tiếp tục củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tinh gọn, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tuyển chọn người có đủ phẩm chất, năng lực, tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là năng lực phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Các cấp, các ngành cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực, kiến thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng để thực hiện công tác tham mưu có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.
Ba là, tiến hành rà soát các trường hợp thuộc bộ, ngành, tỉnh đã được khen thưởng, trước mắt từ ngày 01/6/2014 là ngày có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 (Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013) nhưng có vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự trong thời gian tính thành tích khen thưởng thì làm thủ tục hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.