Masan đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 với tỷ lệ 9,5% (950 đồng/cổ phiếu) vào ngày 16/7 và tiếp tục tạm ứng đợt 2/2021 với tỷ lệ 2,5% (250 đồng/cổ phiếu) ngay trong tháng 12 này. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức là 15/12 và ngày thanh toán là 24/12.
Masan còn cho biết thêm, ngày 15/12 cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20%. Theo đó, Masan phát hành tối đa 236.106.938 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 11.805 tỷ đồng lên 14.166 tỷ đồng.
Đại diện Masan cho biết, trong hai năm qua, sự ủng hộ và niềm tin vững chắc của các cổ đông là động lực để Masan thực hiện kế hoạch cải thiện kết quả hoạt động chuỗi WinCommerce, tạo nền móng cho mô hình mini-mall và tái cấu trúc các mảng kinh doanh để thiết lập nền tảng tiêu dùng - bán lẻ.
Việc tăng cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng là một phần trong kế hoạch của Masan nhằm tưởng thưởng và gia tăng giá trị cho cổ đông, đồng thời hướng đến hoàn thành mục tiêu trung hạn của bảng cân đối kế toán. Năm 2021, bảng cân đối kế toán của Masan đã được củng cố đáng kể.
Việc phát hành cổ phiếu thưởng cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông thông qua việc cải thiện tính thanh khoản, cùng với thành công của nền tảng tiêu dùng sẽ tiếp tục được hiện thực hóa và gia tăng giá trị đáng kể cho cổ đông.
Năm 2022, Masan đã vạch ra kế hoạch sơ bộ mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm 700 - 1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 - 3.600 điểm trước cuối năm 2022. Masan cũng có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall. Mô hình này hiện tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và café (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi).
Đóng cửa ngày 3/12, cổ phiếu MSN của Masan đạt 151.000 đồng/cổ phiếu, tăng 71% so với đầu năm. Ở mức giá này, vốn hóa của Masan đạt 178.261 tỷ đồng, xếp hạng 6 về vốn hóa tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).