Làm thế nào “sống sót” khi TTCK mất hàng tỷ USD mỗi phiên?

(NTD) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động mạnh kỷ lục, trong đó, đa phần là những phiên giảm sâu. Thế nhưng, vẫn còn cách “sống sót” trong thời điểm VN-Index có thể bốc hơi hàng tỷ USD mỗi phiên.

Cổ phiếu nhỏ đang được xem là sự lựa chọn tốt cho nhà đầu tư. (Ảnh minh họa).

Trước đây, mỗi khi VN-Index giảm 10 điểm, nhà đầu tư đã đứng tim. Còn nếu giảm 20 điểm, VN-Index thậm chí tạo địa chấn trên thị trường chứng khoán. Chấn động tới mức, không ít lần Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải lên tiếng trấn an dư luận.

Đã giảm là mất tỷ USD

Thế nhưng, trong gần 1 năm trở lại đây, nhà đầu tư quá quen với việc VN-Index siêu đỏng đảnh. Hôm nay VN-Index có thể tăng 20 điểm nhưng ngay hôm sau, chỉ số này có thể cắm đầu đi xuống, bốc hơi tới 30 điểm. Hiện tại, với nhà đầu tư, VN-Index mất 10 điểm chỉ là giảm nhẹ, VN-Index giảm 20 điểm thật đáng ngại nhưng không có gì ồn ào.

Còn khi VN-Index giảm tới 30 điểm, vấn đề thực sự xuất hiện nhưng nhà đầu tư không hề hoảng loạn như trước đây. Họ vẫn vui vẻ lên mạng xã hội than thở theo kiểu “vừa đánh mất một cái túi Dior” hay “vừa bị mất cắp chiếc Audi”.

Vì vậy, thời gian này, nhà đầu tư đã và đang chấp nhận thực tế mỗi khi giảm điểm, vốn hóa thị trường sàn TP.HCM phải mất cả tỷ USD.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5/2018, VN-Index đóng cửa ở mức 1.029,08 điểm, sau khi giảm 21,18 điểm, tương đương 2,02%. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM “bốc hơi” 58.953 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).

Tới 22/5, nhà đầu tư lại chứng kiến một phiên rơi tự do nữa của thị trường chứng khoán. Chốt phiên, VN-Index giảm 29,07 điểm, tương ứng 2,86% xuống 985,91 điểm. VN-Index đánh mất mốc quan trọng 1.000 điểm. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 83.283 tỷ đồng (3,67 tỷ USD).

3,67 tỷ USD là con số mất mát rất lớn nhưng đây chưa phải phiên “bi thảm” nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong tháng 4, VN-Index liên tục giảm rất sâu, thậm chí, có phiên vốn hóa sàn TP.HCM “bốc hơi” tới 5 tỷ USD.

Cụ thể, trong các phiên giao dịch 11/4, 18/4 và 19/4, vốn hóa thị trường của sàn TP.HCM lần lượt bốc hơi 3,68 tỷ USD, 1,7 tỷ USD và 4,44 tỷ USD.

Vẫn có cách “sống sót”

Chứng kiến thị trường chứng khoán rung lắc mạnh, anh Nguyễn Huỳnh, môi giới chứng khoán, không sốc dù vẫn đánh giá đà giảm như vậy là hơi quá. Anh Huỳnh phân tích, VN-Index đã tăng quá mạnh trong năm 2017. Mà thị trường muốn bền vững thì VN-Index có tăng và phải có giảm. Đó là quy luật thị trường.

“Chứng khoán tăng là do kinh tế vĩ mô ngày càng tốt. Cho đến nay, các yếu tố vĩ mô vẫn tiếp tục tốt nhưng thị trường chứng khoán phải vận động theo quy luật của nó. Tôi tin, đà giảm này là hơi quá nhưng không phải tiêu cực” - anh Huỳnh cho hay.

Dù nhận xét thị trường không tiêu cực nhưng anh Huỳnh vẫn không phủ nhận chuyện nhà đầu tư thua lỗ nặng là có thật. Vì vậy, câu hỏi nhiều người đặt ra tại thời điểm này chính là làm thế nào để “sống sót” khi thị trường biến động mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận xét thời gian qua, “tội đồ” của thị trường chứng khoán là các cổ phiếu vốn hóa lớn - những mã đã tăng rất nóng trong năm 2017. Đó là cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, tiêu dùng, dầu khí.

“Các mã này đã tăng rất mạnh trong năm 2017 nên buộc phải điều chỉnh. Trong những tháng đầu năm 2018, các mã này giảm rất sâu. Vì vậy, đây không phải là những lựa chọn tốt để đầu tư” - ông Hải nhận xét.

Ông Hải phân tích thêm khi các cổ phiếu lớn đua nhau tăng mạnh, mid-cap và penny chỉ nhúc nhích nhẹ, thậm chí còn giảm so với thời kỳ trước. Vì vậy, rất nhiều cổ phiếu nhỏ đang giao dịch ở mức giá rất hấp dẫn vì không nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư.

Nhưng theo ông Hải, đây cũng là cơ hội lớn. Khi blue-chips hạ nhiệt, nhiều cổ phiếu nhỏ đang là điểm đến của giới đầu tư. Ông Hải đưa ra ví dụ cụ thể cổ phiếu DPR của Cao su Đồng Phú. Cổ phiếu này chỉ quanh quẩn ở mức 39.000 đồng/CP, chỉ bằng 60% giá trị sổ sách.

Ông Hải còn đưa ra ví dụ nhiều cổ phiếu nhỏ, thị giá dưới mức 10.000 đồng/CP. Những cổ phiếu này không tăng mạnh nhưng lại có thể giúp nhà đầu tư nhận được lợi nhuận lớn hơn hẳn blue-chip khi công ty chi trả cổ tức rất cao.

 Tùng Lâm

 
Nên đọc