Nhiều địa phương vùng cao tỉnh Lai Châu thiếu nước sạch
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với bà con vùng cao, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng là một trong những yếu tố giúp ổn định cuộc sống, sinh hoạt thường ngày.
Những năm qua, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được tỉnh Lai Châu rất chú trọng, hằng năm có nhiều công trình cấp nước được xây dựng, sửa chữa bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên vẫn còn nhiều xã ở vùng cao của tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt làm ảnh hưởng đến đời sống và việc sản xuất của người dân trong đó, có việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Tại huyện Sìn Hồ, thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở các xã Tả Phìn, Phìn Hồ, Hồng Thu, Phăng Sô Lin. Điển hình là xã Hồng Thu, việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở đây chưa năm nào người dân hết lo, riêng nước sản xuất, hầu như chỉ trông chờ vào nước mưa tự nhiên.
Hay tại bản Làng Sảng là một trong những bản của xã Hồng Thu bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Toàn bản có hơn 100 hộ dân với trên 600 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn diễn ra quanh năm. Xã có 11 bản, nhưng 9 bản bị thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu trông chờ vào nước mưa. Địa phương kiến nghị các cấp ngành của tỉnh quan tâm, sớm đầu tư công trình nước sinh hoạt để bà con có nước uống, nước sản xuất và yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh minh họa
Còn tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng mỗi khi mùa khô đến. Trong thời tiết nắng nóng hơn 30 độ C, người dân bản Cô Lô Hồ (xã Tà Tổng) phải ra đầu bản, nơi có nguồn nước chảy rất nhỏ để đợi lấy nước về sinh hoạt.
Theo người dân bản Cô Lô Hồ, hàng năm chỉ có 3 tháng mùa mưa là người dân có nước dùng thoải mái. Còn lại những tháng khô hanh, các hộ dân phải đi chở từng can nước ở dưới khe về dùng. Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt thường xuyên do bà con sống ở khu vực trên cao so với nguồn nước, khiến việc dẫn nước từ vùng thấp lên vùng cao rất khó khăn. Điều mong mỏi, ước ao lớn nhất của người dân nơi đây là có đủ nước sinh hoạt hàng ngày để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trước tình trạng này Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 1189/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành Quy chuẩn QCĐP 01:2023/LCH về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2023/LCH về chất lượng nước sạch sinh hoạt tại Lai Châu
Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2023/LCH về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lai Châu do Ban soạn thảo xây dựng “Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” trên địa bàn tỉnh Lai Châu biên soạn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành theo. Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các thông số chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh (sau đây gọi tắt là đơn vị cấp nước) trên địa bàn tỉnh Lai Châu; các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch; các phòng thử nghiệm và tổ chức chứng nhận các thông số chất nước lượng nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với nước uống trực tiếp tại vòi, nước đóng bình, đóng chai; nước khoáng thiên nhiên đóng bình, đóng chai, nước sản xuất ra từ các bình lọc nước, hệ thống lọc nước và các loại nước không dùng cho mục đích sinh hoạt.
Đối với các đơn vị cấp nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có mạng lưới cấp nước cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu: Trường hợp UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở hoạt động khai thác, sản xuất nước cấp nước cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (sau đây viết tắt là QCĐP) về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì áp dụng thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-1: 2018/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trường hợp UBND cấp tỉnh có cơ sở hoạt động khai thác, sản xuất nước cấp nước cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã ban hành QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì áp dụng thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch theo QCĐP của địa phương đó.
Yêu cầu về thử nghiệm, quy chuẩn này quy định tất cả các thông số chất lượng nước sạch phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp TCVN ISO/IEC 17025. Thông số chất lượng nước sạch nhóm A theo quy định tại Điều 4 của Quy chuẩn này: Tất cả các đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm với tần suất định kỳ ít nhất 01 lần/01 tháng. Thông số chất lượng nước sạch nhóm B theo quy định tại Điều 4 của Quy chuẩn này phải được thực hiện thử nghiệm với tần suất định kỳ ít nhất 01 lần/06 tháng.
Đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ các thông số trong danh mục các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Điều 4, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-1: 2018/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế trong các trường hợp trước khi đi vào vận hành lần đầu, sau khi nâng cấp sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất. Khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch. Khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Định kỳ 03 năm một lần kể từ lần thử nghiệm toàn bộ các thông số gần nhất theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-1:2018/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phương tiện đo sử dụng trong thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường. Trong toàn bộ thời gian quy định của chu kỳ kiểm định, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Yêu cầu về công bố hợp quy, các đơn vị cấp nước phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Các đơn vị cấp nước gửi bản công bố hợp quy theo mẫu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-1: 2018/BYT).
Đối với những đơn vị cấp nước chỉ thực hiện hoạt động truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ mà không có hoạt động khai thác, xử lý, sản xuất nếu không tự công bố hợp quy thì phải công bố hồ sơ hợp quy của đơn vị sản xuất nước và đảm bảo nước được dẫn thẳng từ đơn vị sản xuất nước đến người sử dụng. Ký hiệu dấu hợp quy được quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.