KPI đo lường giúp doanh nghiệp ngành da giày bứt tốc năng suất, nâng tầm chất lượng

(CL&CS) - Hiện nay, ngành da giày Việt Nam không chỉ phải đáp ứng sản lượng lớn mà còn phải đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến KPI đo lường như một công cụ quản trị hiệu quả, minh bạch để nâng cao năng suất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

KPI nâng năng suất, siết chất lượng

Việt Nam hiện là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 27 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm trước. Tuy nhiên, sự biến động của kinh tế toàn cầu, chính sách thương mại của các nước nhập khẩu lớn và yêu cầu cao về phát triển bền vững đang đặt ra không ít thách thức cho ngành. Trong đó, sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ và EU sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến các doanh nghiệp xuất khẩu da giày.

KPI là công cụ hiện đại giúp các doanh nghiệp đo đếm chính xác, đánh giá khách quan mọi hoạt động sản xuất kinh doanh

Không chỉ đối diện với các rào cản thương mại, ngành da giày Việt Nam còn phải đối mặt với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khi nhiều tập đoàn quốc tế có xu hướng phân bổ lại đơn hàng sang các quốc gia như Indonesia, Bangladesh hay Ấn Độ. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh khốc liệt, buộc các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Trong khi đó, các thương hiệu lớn như Nike, Adidas hay Puma ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn đối tác, yêu cầu các nhà cung cấp phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí về trách nhiệm xã hội, lao động bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng cơ hội hợp tác với những khách hàng lớn trên thế giới.

Đi cùng với cơ hội là áp lực không nhỏ, khách hàng đòi hỏi số lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Để đáp ứng tất cả những yêu cầu đó, chỉ dựa vào kinh nghiệm quản lý thủ công là không đủ. KPI – Key Performance Indicators (Chỉ số đo lường hiệu suất) – đã trở thành một công cụ hiện đại giúp các doanh nghiệp đo đếm chính xác, đánh giá khách quan mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về bản chất, KPI đo lường là những chỉ số cụ thể, định lượng phản ánh mức độ hoàn thành mục tiêu của từng bộ phận, cá nhân trong doanh nghiệp. Với đặc thù ngành da giày có dây chuyền sản xuất nhiều công đoạn và tỷ lệ lỗi dễ phát sinh, KPI giúp doanh nghiệp giám sát chặt chẽ từng khâu, từ cắt, may, lắp ráp, hoàn thiện, đến khâu đóng gói và giao hàng. Các chỉ số như số lượng sản phẩm đạt chuẩn mỗi giờ, tỷ lệ lỗi trên tổng sản phẩm, năng suất lao động bình quân mỗi ca… được ghi nhận, cập nhật, báo cáo kịp thời, tạo ra bức tranh rõ ràng về hiệu quả hoạt động.

Khi KPI được xây dựng đúng và thực thi quyết liệt, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát hiện ra những “nút thắt” cản trở năng suất hay những công đoạn phát sinh lỗi nhiều nhất để có giải pháp xử lý. Không chỉ vậy, KPI còn giúp minh bạch hóa trách nhiệm, động viên khen thưởng đúng người, đúng lúc, tạo động lực cho người lao động phấn đấu hơn. Đây chính là lý do nhiều nhà máy da giày quy mô lớn tại Việt Nam lựa chọn KPI như một công cụ chiến lược để cải thiện hiệu quả tổng thể.

KPI trở thành nền tảng bứt phá

Một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Bình Dương triển khai KPI bài bản và đạt hiệu quả cao là Công ty TNHH Thương mại Giày Da Giang Phạm. Trước đây, Giang Phạm gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ hàng lỗi dao động ở mức 5–6%, nhiều khi chậm giao hàng, ảnh hưởng đến uy tín với đối tác châu Âu.

KPI giúp giảm tỷ lệ lỗi, giữ chuẩn chất lượng sản phẩm

Giang Phạm hợp tác với một đơn vị tư vấn năng suất để xây dựng hệ thống KPI đồng bộ. Các chỉ số được thiết kế chi tiết cho từng công đoạn: xưởng cắt có KPI về tỷ lệ hao phí da dưới 1,5%, năng suất bình quân đạt 200 đôi/giờ; xưởng may theo dõi KPI số sản phẩm đạt chuẩn loại A theo ca; xưởng hoàn thiện kiểm soát KPI tỷ lệ hàng lỗi tối đa 2%… Tất cả được số hóa trên phần mềm quản lý, cập nhật theo thời gian thực và hiển thị trên bảng điện tử treo tại từng xưởng.

Chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả vượt ngoài mong đợi, năng suất bình quân toàn nhà máy tăng 19%, tỷ lệ hàng lỗi giảm xuống chỉ còn 1,8%, doanh thu quý IV/2024 tăng 15% nhờ giao hàng đúng hạn và giữ chân khách hàng lớn. Đặc biệt, môi trường làm việc tại Giang Phạm cũng đổi khác, công nhân hăng hái thi đua, tự giác nâng cao tay nghề để đạt chỉ tiêu KPI, lãnh đạo thuận lợi hơn trong đánh giá, khen thưởng minh bạch.

Một trường hợp cụ thể tại xưởng may 2 cho thấy sức mạnh của KPI. Đây từng là điểm “nóng” với tỷ lệ lỗi cao nhất toàn nhà máy, gần 7% do công đoạn ráp mũi giày thiếu kiểm soát. Sau khi thiết lập KPI riêng, bổ sung quy trình kiểm tra trung gian, đào tạo lại tay nghề công nhân, tỷ lệ lỗi nhanh chóng giảm về 2%, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng chi phí sửa lỗi chỉ trong một quý.

Ban Giám đốc điều hành của Công ty chia sẻ, “KPI là bước ngoặt quan trọng, giúp chúng tôi quản lý sản xuất khoa học hơn, minh bạch hơn. Mọi thứ đều đo đếm được, rõ ràng, tạo động lực cho cả cán bộ quản lý và công nhân cùng nỗ lực. Hiệu quả thực chất không chỉ là con số năng suất mà còn là tinh thần làm việc tốt lên.”

Môi trường minh bạch, công bằng, khuyến khích tinh thần thi đua của công nhân

Những hiệu quả đó là nhờ được đo lường rõ ràng giúp ban lãnh đạo nắm bắt tình hình tức thời, phát hiện đúng “nút thắt” và đưa ra giải pháp hợp lý, thay vì chỉ phán đoán bằng cảm tính như trước đây. Với ngành da giày vốn yêu cầu đồng đều tuyệt đối, KPI giúp giảm tỷ lệ lỗi, giữ chuẩn chất lượng sản phẩm, củng cố uy tín trên thị trường xuất khẩu.

KPI cũng tạo môi trường minh bạch, công bằng, khuyến khích tinh thần thi đua của công nhân, khi mọi chỉ tiêu đều cụ thể, có thưởng và phạt rõ ràng. Không ít công nhân tại Giang Phạm chia sẻ rằng họ tự giác học hỏi, cải thiện thao tác để đạt chỉ tiêu, cảm thấy công sức bỏ ra được ghi nhận công bằng. Không kém phần quan trọng, KPI giúp tối ưu chi phí sản xuất. Khi hạn chế lỗi, giảm lãng phí vật liệu, tận dụng tốt thời gian và công suất máy móc, chi phí trên mỗi sản phẩm giảm đáng kể, lợi nhuận gia tăng.

Những thành công trên đã giúp Giang Phạm tiếp tục mở rộng hệ thống KPI, không chỉ trong khối sản xuất mà cả ở bộ phận quản lý kho, logistics và chăm sóc khách hàng, tiến tới xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên số liệu minh bạch và hiệu quả thực chất.

KPI đo lường đã chứng minh là công cụ quản trị hữu hiệu, giúp doanh nghiệp da giày nâng cao năng suất, kiểm soát chất lượng, tối ưu chi phí và gắn kết đội ngũ lao động. Như vậy, thực tiễn tại Công ty TNHH Thương mại Giày Da Giang Phạm cho thấy, khi áp dụng bài bản, KPI đã trở thành “thước đo vàng”, mang lại hiệu quả toàn diện, tạo bệ phóng vững chắc để doanh nghiệp khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững.

Theo chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD vào năm 2030. Đến năm 2035, ngành sẽ chuyển đổi theo mô hình kinh tế tuần hoàn và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

TIN LIÊN QUAN