Khó kiểm soát việc thu hồi thuốc kém chất lượng

(NTD) - Liên tiếp trong 2 tháng 6 và 7/2016, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra nhiều quyết định yêu cầu đình chỉ lưu thông trên thị trường nhiều loại thuốc, mỹ phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại cho rằng công tác giám sát việc thu hồi thuốc kém chất lượng hiện còn lỏng lẻo.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược ban hành các công văn đình chỉ lưu hành danh mục thuốc kháng sinh dạng viên nén bao phim Rom-150 tablets (Roxithromycin 150mg) do Công ty Zee Laboratories - India sản xuất và được Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 2 nhập khẩu; thuốc bột pha hỗn dịch uống Ceferaxim 125 (Cefuroxime 125mg), sản xuất bởi Công ty Vintanova Pharma Pvt Ltd - India (Công ty CP Dược Đại Nam nhập khẩu) do không đạt tiêu chuẩn về độ hòa tan; thuốc bột pha hỗn dịch uống Philtadol (Cefpodoxim 100mg của Công ty TNHH Phil Inter Pharma) bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu định lượng.

Thói quen mua thuốc không theo toa tại các nhà thuốc tư nhân đang tạo cơ hội cho thuốc giả, thuốc kém chất lượng lộng hành.

Ngoài ra, các mặt hàng mỹ phẩm khác bị cấm lưu hành như: Sản phẩm kem trắng da, ngừa mụn Bảo Lâm (25g) số lô 012 do Công ty CP Đông y dược Bảo Lâm sản xuất vì có chứa chất Dexamethason Acetat không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; sản phẩm nhau thai cừu phấn hoa NAK Q10 (18g) số lô 006, do Công ty TNHH MTV SX-TM Mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My sản xuất và Kem 3 trong 1 (nám - mụn - giảm thâm) Ngọc Ân số lô 015, sản xuất tại Công ty TNHH MTV SX-TM Xuất nhập khẩu Mỹ phẩm Tùng Ân vì cùng có chứa chất Clobetasol Propionate (chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm)…

Tất cả các sản phẩm đình chỉ nêu trên đã được lưu hành trên thị trường ít nhất từ 3 tháng đến 2 năm. Trước thông tin các loại thuốc kháng sinh không đạt yêu cầu chất lượng và các loại mỹ phẩm có chất cấm, người tiêu dùng còn hoang mang hơn khi có những loại thuốc sản xuất hơn 2 năm nay như thuốc viên nén bao phim Rom-150 tablets (Roxithromycin 150mg) sản xuất ngày 22/7/2014 đến nay mới bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn.

Trả lời vấn đề trên, bà Đặng Thị Ngọc Tâm, đại diện truyền thông Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Công tác quản lý chất lượng thuốc được thực hiện theo Thông tư 09/2010/TT-BYT ngày 28/4/2010 của Bộ Y tế, trong đó việc đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc và xử lý thuốc vi phạm chất lượng quy định tại Chương 4 - Thông tư 09/2010/TT-BYT. Lô thuốc đang lưu hành trên thị trường sẽ bị đình chỉ lưu hành khi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm - mỹ phẩm TP.HCM phát hiện thuốc không đạt theo tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký và ra quyết định đình chỉ lưu hành kể từ ngày vi phạm về chất lượng thuốc”.

Bác sĩ Hoàng Chương (Bệnh viện 175, Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Hiện các loại thuốc phần lớn bán trên thị trường và không sử dụng trong danh mục thuốc của bệnh viện nên không có đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, tùy vào từng loại thuốc sẽ có ảnh hưởng nếu không đạt chuẩn hòa tan. Bên cạnh đó, thuốc có độ hòa tan kém sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Trường hợp sử dụng thuốc nhiều trong thời gian dài mà không theo chỉ định của bác sĩ tất nhiên sẽ gây hại mức độ khác nhau”.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nếu phát hiện thuốc lưu hành trên địa bàn không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, Sở Y tế sẽ ra quyết định đình chỉ lưu hành trên phạm vi địa bàn quản lý, đồng thời gửi thông báo cho Cục Quản lý Dược. Ngoài ra, khi có quyết định thu hồi, đình chỉ lưu hành thuốc của Cục Quản lý Dược, Sở Y tế sẽ thực hiện giám sát việc thu hồi thuốc. Các công ty có thuốc bị thu hồi phải có trách nhiệm thu hồi và báo cáo cho Sở Y tế. Thuốc thu hồi do không đạt chất lượng sẽ bị tiêu hủy theo đúng quy định”.

Tuy nhiên, việc thuốc sau khi bị thu hồi liệu còn trở lại thị trường hay không thì không ai được biết. Trong khi số liệu thu hồi tiêu hủy của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không được công khai rõ hoặc chỉ được công khai chung chung con số thu về mà không nêu rõ cụ thể lượng sản phẩm đó đã được tiêu thụ bao nhiêu.

Thực tế, người tiêu dùng vẫn còn có thói quen sử dụng thuốc không cần toa của bác sĩ dẫn đến việc tạo cơ hội các loại thuốc, mỹ phẩm giả, nhập lậu kém chất lượng mà điển hình là vụ việc nhà thuốc Minh Châu xảy ra hồi tháng 6. Đồng thời, việc kiểm soát thuốc không triệt để cũng là lỗ hổng cho hàng giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Đức Hùng