Một trong những nhiệm vụ là xây dựng, hoàn thiện ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê. Ảnh minh họa.
Cụ thể, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê.
Cùng với đó là mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong công tác thống kê; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê; tăng cường cơ sở vật chất và huy động nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.
Trước tiên, về hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, UBND cấp tỉnh: Sửa đổi Luật Thống kê số 89/2015/QH13 và Luật số 01/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; đồng thời, đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức, thành lập Ban soạn thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; nghiên cứu xây dựng khung chung về tiêu chuẩn thống kê; rà soát tiêu chuẩn thống kê hiện có; đồng thời, triển khai áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn thống kê. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành đồng bộ các quy trình sản xuất thông tin thống kê.
Về nhiệm vụ hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu: Ngành thống kê sẽ ứng dụng khoa học dữ liệu để khai thác nguồn dữ liệu tính chỉ số giá tiêu dùng một số nhóm hàng; ứng dụng phương pháp khai thác dữ liệu giá bất động sản từ các trang web; nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác dữ liệu lớn để biên soạn chỉ tiêu thống kê, biên soạn một số chỉ tiêu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điểu hành.
Đồng thời, ngành sẽ đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; rà soát phiếu điều tra xác định nhu cầu sử dụng thông tin thống kê; sử dụng webform để xác định nhu cầu thông tin thống kê; xây dựng mục phản hồi của người dùng tin đối với ấn phẩm thống kê trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê; tổ chức khảo sát mức độ hài lòng và nhu cầu của người dùng tin.
Cùng với đó, đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; rà soát, cập nhật các quy chế, chính sách về công nghệ thông tin để đảm bảo thực hiện tư liệu hóa và chuyển đổi số trong công tác thống kê; xây dựng đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia; xây dựng kế hoạch và các dự án để triển khai Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia.
Cũng theo kế hoạch thực hiện, ngành sẽ mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong công tác thống kê; duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các cơ quan thống kê, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; đồng thời, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của thống kê Liên hợp quốc và khu vực; đẩy mạnh cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước đã được cấp có thẩm quyền công bố; tổ chức kiểm tra việc tuân thủ Luật Thống kê trong sản xuất thông tin thống kê của Hệ thống thống kê Nhà nước.