Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), thu nhập bình quân của người lao động tại khu vực thành thị trong nửa đầu năm 2025 đạt 10 triệu đồng/tháng, tương đương 120 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, mức thu nhập này chỉ đủ mua khoảng 1,5m² chung cư mới tại Hà Nội – nơi giá bán nhà liên tục thiết lập mặt bằng mới.
Giá chung cư leo thang, nguồn cung tập trung ở phân khúc cao cấp
Báo cáo thị trường quý II/2025 của CBRE Việt Nam cho thấy toàn bộ các dự án mở bán tại Hà Nội đều thuộc phân khúc cao cấp trở lên, với giá sơ cấp trung bình đạt 79 triệu đồng/m² (tăng 6% theo quý và 33% so với cùng kỳ năm ngoái). Mức giá này chưa bao gồm VAT, phí bảo trì hay các chiết khấu bán hàng.
Ở các khu vực trước đây có mức giá "mềm" hơn như Hà Đông, Hoàng Mai, hiện nay nhiều dự án mới đã chào bán trên 70 triệu đồng/m² – đánh dấu sự dịch chuyển nguồn cung về phân khúc cao cấp, khiến giá nhà phổ biến tăng mạnh trên diện rộng.
Một đơn vị nghiên cứu khác cũng ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội trong quý II đạt khoảng 80 triệu đồng/m² – tăng 5,6% so với quý trước và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024. Giá chung cư cũ hiện cũng dao động quanh mức 55-60 triệu đồng/m².
Nhà ở xã hội cũng bị đẩy giá cao
Ngay cả phân khúc nhà ở xã hội – vốn được kỳ vọng giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp – cũng chứng kiến tình trạng tăng giá đáng kể. Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại nhiều dự án nhà ở xã hội như Đồng Mô, Ecohome 3, Rice City Linh Đàm hay NHS Trung Văn, giá rao bán trên thị trường thứ cấp dao động từ 54 đến 68 triệu đồng/m².
Cụ thể, một căn hộ 70m² tại Đồng Mô được rao bán với giá lên tới 4,25 tỷ đồng, tương đương gần 61 triệu đồng/m². Các dự án còn lại đều ghi nhận mức giá quanh 57-63 triệu đồng/m², cá biệt có căn lên tới gần 70 triệu đồng/m² – không còn quá khác biệt so với phân khúc thương mại.
Cần bao lâu để mua được nhà?
Với mức thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm, một người lao động tại thành thị nếu không tính chi phí sinh hoạt cũng chỉ có thể mua được 1,5m² căn hộ mới hoặc khoảng 2m² căn hộ cũ. Nghĩa là để mua một căn hộ diện tích 70m² với giá khoảng 5,5 tỷ đồng, người lao động cần làm việc trong hàng chục năm – một con số ngoài tầm với với phần lớn người dân.
Dữ liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, mức thu nhập tối thiểu để tiếp cận nhà ở thương mại tại Hà Nội cao hơn từ 2,3 đến 10 lần thu nhập trung bình của hộ gia đình.
Ông Lê Đình Chung – chuyên gia bất động sản – cho biết, giá trung bình căn hộ cũ hai phòng ngủ tại Hà Nội hiện ở mức 65-70 triệu đồng/m², tương đương khoảng 4-5 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, thu nhập bình quân của một hộ gia đình hai người đi làm vào khoảng 200-250 triệu đồng/năm. Việc giá nhà tăng kéo theo chi phí sinh hoạt leo thang khiến khả năng tích lũy của người dân suy giảm rõ rệt.
“Với mặt bằng thu nhập hiện nay, nếu chỉ làm văn phòng, người dân rất khó để mua được nhà. Ngay cả khi tích lũy, thì cũng phải mất vài chục năm”, ông nhận định.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn – một người sinh năm 1990 cần tới 25,8 năm thu nhập mới mua được căn hộ giá 3 tỷ đồng trong điều kiện lãi suất huy động ở mức 4,5%. Dù thời gian cần thiết để sở hữu nhà đã có xu hướng giảm so với các thế hệ trước, ông cho rằng người trẻ vẫn phải nỗ lực trong thời gian rất dài để mua được nhà.
Tại một sự kiện gần đây, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – cho biết, người trẻ (22-40 tuổi) đang trở thành lực lượng chính trong nhóm khách hàng mua nhà, với nhu cầu ở mức cao chưa từng có. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập chưa theo kịp đà tăng giá nhà, khiến khả năng sở hữu nhà của nhóm này bị hạn chế rõ rệt.
“Để mua được căn hộ diện tích 70m², giá khoảng 3-4 tỷ đồng tại đô thị lớn, người trẻ cần khoảng 20-25 năm thu nhập”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.