Khan hiếm nguồn cung khiến giá neo cao
Nửa đầu năm 2025, thị trường nhà liền thổ tại TP.HCM diễn biến tương đối trầm lắng. Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP, tổng lượng nhà liền kề và biệt thự đủ điều kiện mở bán trên địa bàn từ đầu năm chỉ đạt 238 căn – con số khá khiêm tốn so với nhu cầu trên thị trường.
Nguồn cung chủ yếu đến từ hai dự án tại khu Nam và hai dự án tại khu Đông thành phố. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, phần lớn số sản phẩm này đã được chủ đầu tư giới thiệu ra thị trường từ cuối năm 2024, chỉ mới chính thức đủ điều kiện mở bán trong năm nay.
Trong quý II/2025, thị trường ghi nhận thêm 132 căn nhà phố đến từ một dự án tại phường An Lạc (quận Bình Tân). Nguồn cung sơ cấp cũng được tiếp tục duy trì thông qua các sản phẩm nhà phố tại một dự án ở huyện Bình Chánh (cũ).
Ngoài ra, 226 căn biệt thự và nhà liền kề thuộc một dự án ở khu Đông TP.HCM – do Khang Điền hợp tác với Keppel Land phát triển – cũng đang rục rịch chuẩn bị tung ra thị trường trong thời gian tới.
Tính chung các khu vực giáp ranh TP.HCM như Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), mỗi địa phương cũng chỉ ghi nhận một dự án nhà liền thổ được chào bán kể từ đầu năm, với tổng cộng gần 600 sản phẩm.
Trong khi đó, khu vực cửa ngõ phía Tây TP.HCM, đặc biệt là Long An (cũ), đang nổi lên như điểm sáng về nguồn cung mới. Hàng loạt dự án được công bố, trong đó nổi bật là 2.000 sản phẩm tại dự án Vinhomes Green City và gần 700 căn thấp tầng thuộc dự án La Home.
Phân khúc đất nền tại khu vực này cũng ghi nhận diễn biến tích cực với 1.000 sản phẩm đến từ dự án The Solia.
Theo báo cáo từ CBRE Vietnam, nguồn cung nhà liền thổ tại TP.HCM trong quý II/2025 đã tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, mức tăng này vẫn chưa đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt kéo dài. Trong bối cảnh cung không theo kịp cầu, giá chào bán trên thị trường thứ cấp đã ghi nhận mức tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2024.
Biệt thự cao cấp lập mặt bằng giá mới
Về mặt bằng giá sơ cấp, đại diện CBRE Vietnam cho biết, trong quý II/2025, giá trung bình toàn thị trường nhà liền thổ TP.HCM đạt khoảng 303 triệu đồng/m2.
Ở phân khúc cao cấp, theo đánh giá của Avison Young Việt Nam, giá bán tiếp tục được giữ vững. Đây là kết quả của tâm lý giữ giá từ các chủ đầu tư trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mua để ở vẫn hiện hữu trên thị trường.
Một trong những dự án gây chú ý là Saroma Villa tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm – nơi ghi nhận mức giá giao dịch tiệm cận 1 tỷ đồng/m2, trở thành dự án có giá cao nhất hiện nay. Avison Young dự báo mức giá này sẽ được duy trì ít nhất trong vòng hai năm tới.
Tại khu Đông Sài Gòn, dự án The Rivus Elie Saab của Masterise Homes đang được chào bán với mức giá khoảng 300 triệu đồng/m2. Các sản phẩm tại đây có diện tích dao động từ 500 - 1.300 m2, dẫn đến tổng giá trị mỗi căn biệt thự có thể lên tới 200 - 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án khác như The Global City, Vạn Phúc City và khu dân cư Khang Điền cũng đang thiết lập mặt bằng giá từ 250 - 300 triệu đồng/m2 – cho thấy sự ổn định ở phân khúc cao cấp, bất chấp những biến động chung của thị trường bất động sản.
Dự báo tiếp tục phục hồi, giá chưa thể “hạ nhiệt”
Theo ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc Đầu tư của DKRA Group, thị trường nhà liền thổ tại TP.HCM và các khu vực lân cận sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong quý III/2025. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 - 3.000 sản phẩm mới được tung ra thị trường, phần lớn tập trung tại Long An (cũ) và Bình Dương (cũ).
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng mặt bằng giá sơ cấp vẫn sẽ neo cao do độ lệch giữa cung và cầu chưa được cải thiện rõ rệt. Trong khi đó, giá thứ cấp được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, với thanh khoản tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn chỉnh, kết nối hạ tầng tốt và sở hữu hệ thống tiện ích đồng bộ.
“Thị trường đang bước vào giai đoạn phân hóa rõ rệt, người mua sẽ ưu tiên các dự án đã hoàn thiện, minh bạch pháp lý, có tiềm năng khai thác thực tế. Đây cũng là yếu tố góp phần giữ giá và tăng giá trong các giao dịch thứ cấp”, ông Thắng nhận định.